Sunshine Group đang hoàn tất thủ tục thâu tóm giai đoạn 2 dự án Cocobay của Thành Đô. Đây là diễn biến đáng chú ý nhất của dự án này, kể từ sau việc Thành Đô dừng chi trả cam kết lợi nhuận cho khách hàng hồi cuối năm 2019.
Giai đoạn 2 dự án Cocobay mà Sunshine Homes (thương hiệu bất động sản của Sunshine Group) đang thâu tóm có diện tích 21ha. Khu đất này có 1 mặt giáp biển, 1 mặt giáp đường Trường Sa, nằm bên cạnh khu Naman Retreat.
Phía Sunshine Group dự kiến sau khi hoàn tất thâu tóm, tập đoàn này sẽ xây dựng 1 tổ hợp nghỉ dưỡng 6 sao với tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng, mang tên Sunshine Heritage Đà Nẵng I.
Nếu thành công, đây sẽ là chuyển biến đáng chú ý hàng đầu của thị trường nghỉ dưỡng Đà Nẵng – vốn trầm lắng suốt 2 năm qua.
Về Thành Đô, tập đoàn này từ năm 2019 đã lún vào khủng hoảng, dẫn đến hệ quả là “xù” cam kết lợi nhuận với các khách hàng mua sản phẩm tại Cocobay. Sự việc đã gây ra khiếu nại kéo dài và cho tới nay vẫn chưa được giải quyết trọn vẹn.
Lịch sử tăng vốn của Thành Đô và những lần chuyển giao quyền lực
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô được thành lập ngày 16/8/2002, trụ sở ban đầu tại 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Trước năm 2017, Thành Đô có vốn điều lệ 300 tỷ đồng gồm 3 cổ đông cá nhân: ông Nguyễn Đức Thành (chủ tịch HĐQT) nắm 75%; ông Nguyễn Thành Nam (con trai ông Thành) nắm 24% và ông Nguyễn Duy Uẩn nắm 1%. Cổ đông Bùi Việt Dũng tới thời điểm này đã thoái vốn.
Tháng 6/2017, cổ đông Nguyễn Duy Uẩn cũng thoái vốn nốt. Danh sách cổ đông cá nhân của Thành Đô chỉ còn ghi nhận 2 cha con ông Nguyễn Đức Thành với tỷ lệ sở hữu 48,9% mỗi người.
Tháng 8/2017, Thành Đô tăng vốn điều lệ lên 630 tỷ đồng. Đồng thời, cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai thế hệ bắt đầu khi người đại diện theo pháp luật của Thành Đô đổi từ ông Nguyễn Đức Thành sang ông Nguyễn Thành Nam. Ông Nam sinh năm 1986, thường trú tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, giữ chức tổng giám đốc công ty.
Tháng 1/2018, Thành Đô tiếp tục tăng vốn lên 930 tỷ đồng, cơ cấu và tỷ lệ nắm giữ của cha con ông Thành vẫn giữ nguyên.
3 tháng sau đó, ông Nguyễn Thành Nam vươn lên nắm 51% vốn điều lệ, ông Nguyễn Đức Thành lùi xuống 46,8%.
Tháng 8/2018, Thành Đô bất ngờ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực ngược, theo đó người đại diện theo pháp luật của công ty chuyển từ ông Nguyễn Thành Nam về lại ông Nguyễn Đức Thành.
Tháng 9 cùng năm, Thành Đô tăng vốn lên 1.030 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Thành tăng tỷ lệ sở hữu lên 47%, trong khi ông Nguyễn Thành Nam giảm xuống 50,8%.
Tháng 7/2019, Thành Đô dời trụ sở từ 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa về phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. 2 tháng sau đó, công ty tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và chỉ 2 tháng sau nữa thì tuyên bố dừng chi trả cam kết lợi nhuận cho khách hàng Cocobay.
Tài chính của Thành Đô từ khi Cocobay khởi công đến lúc “vỡ trận”
Năm 2016, Thành Đô khởi công dự án Cocobay giai đoạn I và ngay lập tức gặt hái được thành tựu vang dội về hình ảnh, thương hiệu. Năm 2017, dự án tạo nên một cơn sốt truyền thông cực mạnh khi mời được ngôi sao bóng đá thế giới C.Ronaldo quảng cáo với câu nói nổi tiếng “Cocobay, my homes in Vietnam”.
Hai năm này cũng là giai đoạn Thành Đô ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội về doanh thu thuần, khi tăng từ 12,8 tỷ đồng lên 1.034 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng tăng từ 1,1 tỷ đồng lên tới 88,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2018, đà tăng doanh thu đã bị bẻ gãy. Doanh thu thuần chỉ đạt 386 tỷ đồng, giảm tới 62% so với năm trước. Lợi nhuận gộp cũng lao dốc xuống 29 tỷ đồng, giảm 67%.
Năm 2019, doanh thu thuần “gượng dậy” lên 650 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cải thiện theo, đạt 44,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, suốt giai đoạn 2016 – 2019, Thành Đô chỉ có lãi sau thuế duy nhất vào năm 2016 với mức lãi khiêm tốn 260 triệu đồng. 3 năm còn lại, công ty ghi nhận mức lỗ sau thuế ngày càng đậm, lần lượt là: -24 tỷ đồng, -99,5 tỷ đồng và -113,5 tỷ đồng.
Về tài sản, giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của Thành đô gia tăng rất mạnh, từ 3.783 tỷ đồng lên 12.671 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần.
Tuy nhiên, hầu hết tài sản được tài trợ bằng nợ phải trả, tăng từ 3.494 tỷ đồng lên 11.419 tỷ đồng, tức tăng gấp 3,2 lần. Nợ phải trả chiếm tới 90% tổng tài sản (thời điểm kết năm 2019) khiến Thành Đô có hệ số D/E (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) rất cao, lần lượt các năm là: 12 lần (2016), 6 lần (2017), 11,3 lần (2018) và 9,1 lần (2019)…