Số liệu thống kê của Cục Thuế TP.HCM cho thấy, trong 6 tháng đầu năm có đến 18.743 DN ngừng hoạt động, bao gồm 3.491 DN giải thể, 7.193 DN tạm ngưng hoạt động và 3.397 trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh… Trong đó, chủ yếu là các DN thuộc thành phần kinh tế tư nhân, chiếm đến 98,15%. Xét về ngành nghề, những DN du lịch, bán lẻ bị “khai tử” nhiều nhất, chiếm đến hơn 38%, tiếp đến là các DN hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Ngồi tính lại những khoản công nợ mà đối tác còn thiếu, rồi bắt máy gọi từng doanh nghiệp nói khéo để có thể trả cho mình dù một phần cũng được, ông Nguyễn Văn Dũng, TGĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng BĐS Thăng Long có địa chỉ trên đường Âu Cơ, quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, khó khăn lắm mới phải làm việc này, tất cả để có tiền trả lương cho nhân viên cũng như tiền thuê mặt bằng văn phòng trong tháng tới.
Ông Dũng kể, năm 2015 ông thành lập công ty, lúc đó chủ yếu làm môi giới bất động sản. Khi thị trường các tỉnh phát triển mạnh, ông rủ bạn bè góp vốn và vay ngân hàng hơn 50 tỷ đồng để mua 3 quỹ đất tại Long An, Đồng Nai rồi xin pháp lý thành lập dự án bất động sản. Nhưng tới nay, dù qua 2 năm mà việc xin pháp lý các dự án này vẫn chưa thành công. Tuy nhiên, công ty vẫn sống tốt nhờ vào ngành môi giới khi ông lấy hàng từ các dự án rồi cho nhân viên mình bán lại ăn hoa hồng.
Khó khăn của doanh nghiệp địa ốc hiện đang rất lớn. Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn bất động sản Trần Anh Group cho biết, từ đầu năm tới nay, ông đã 4 lần viết thư tới ngân hàng nhờ hỗ trợ giảm lãi suất vay cũng như gia hạn các khoản vay. Tuy nhiên, vẫn chưa được ngân hàng hỗ trợ. Mỗi tháng ông phải chi trả ít nhất 4 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng, cộng thêm tiền lương cho 500 nhân viên, tiền thuê mặt bằng, thuế… trong khi dự án trong tay có rất nhiều nhưng lại không thể bán.
“Nếu kéo dài thêm thời gian nữa, tôi tin rằng doanh nghiệp tôi sẽ đứng trước bờ vực… và đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp địa ốc hiện nay”, ông Vinh nói.
Trong căn nhà trên đường Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Công Sang, Giám đốc công ty du lịch Phương Nam dọn từng tập tài liệu để lên kệ. Anh Sang kể, trước đây công ty anh thuê hẳn 1 toà nhà văn phòng 5 tầng ở đường Sông Tiền quận Tân Bình, giờ không thể trụ nổi nên đành phải trả mặt bằng, dời văn phòng về nhà làm việc.
Đầu tháng 7, bà Ngô Thanh Hương, Giám đốc công ty du lịch Quê Hương tại quận Bình Tân, TP.HCM phải lên Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký tạm dừng hoạt động công ty mà mình thành lập được 10 năm.
Trò chuyện cùng phóng viên Nhadautu.vn, bà Hương kể những năm đầu thành lập, công ty bà chỉ vẻn vẹn có 3 nhân sự, đa phần bán tour ghép cùng các doanh nghiệp khác, nhưng sau đó phát triển lên, nhân sự lên tới hàng chục người, tự mình mở tour riêng, thậm chí phát triển các tour nước ngoài mạnh hơn trong nước.
Cuối năm 2019, để chuẩn bị cho mùa du lịch tết, như bao công ty du lịch khác, chúng tôi gom tiền mua trước vé máy bay, mua trước vé khách sạn cho khách du lịch. Thế nhưng, sau đó dịch bùng phát, khách hàng không còn, tiền thanh toán vé máy bay, nhà hàng, khách sạn cũng không thể thu hồi, việc thua lỗ từ đây diễn ra.
Tới năm 2021, tưởng như dịch đã được kiểm soát, một lần nữa bà Hương vay ngân hàng để mua vé may bay cũng như đặt phòng khách sạn để chuẩn bị sẵn cho mùa du lịch hè. Và rồi lại một lần nữa dịch bùng phát, xin lấy lại tiền đã mua vé, mua phòng khách sạn cũng không được vì các hãng không còn tiền. “Quyết định cuối cùng để không phải chịu thuế cũng như giải quyết khó khăn trước mắt là tạm thời đóng cửa công ty, chờ ngày có thể mở lại”, bà Hương nói.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú là ngành có tăng trưởng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong tăng trưởng chung của TP.HCM. Cụ thể, ngành này chỉ thu về 9.700 tỷ đồng, giảm 2,68% so với cùng kỳ năm 2020. Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 “đổ bộ” giống như “cú đấm bồi” vào ngành du lịch vốn dĩ đã khó khăn do tác động của những đợt dịch trước.
Nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Thị Tú, quận Bình Tân, Công ty dệt may An Hòa đang phải dừng hoạt động, dù đơn hàng nhận đặt may gia công số lượng lớn quần áo đồng phục lao động từ phía công ty may mặc lớn tại TP.HCM.
Ông Hồ Văn Báu, Giám đốc công ty may An Hòa cho biết, tháng 4, ông nhận đơn hàng may gia công 10.000 bộ đồ lao động xuất khẩu, hiện công ty có 100 công nhân, làm tăng ca liên tục để tháng 8 có thể bàn giao được hàng cho đối tác. Thế nhưng mới đây, Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội của Chính phủ được TP.HCM áp dụng, tới ngày 15/7, chỉ thị của TP.HCM là các doanh nghiệp sản xuất phải bố trí được chỗ ăn ngủ cho công nhân tại nơi sản xuất thì mới cho hoạt động, trong khi công ty ông Báu nhỏ, không đủ chỗ để bố trí nơi nghỉ lại cho công nhân, vậy là đành đóng cửa.
“Năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi lâm vào các khó khăn vô cùng khi đơn hàng không có, khi đó chỉ biết đi xin bạn bè có đơn hàng hỗ trợ chia cho mình chút để có việc cho công nhân làm. Thình hình khả quan hơn vào những tháng cuối năm 2020, khi đó đơn hàng bắt đầu nhiều hơn, chủ yếu là gia công hàng cho Nhật Bản, Hàn Quốc… chúng tôi nhập thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng, thuê thêm thợ…”, ông Báu kể.
Theo ông Báu, tất cả kinh phí để nhập máy móc, mỏ rộng nhà xưởng chủ yếu dựa vào ngân hàng. Sau khi chuẩn bị xong, tháng 2, công ty tiến hành tuyển thêm công nhân và bắt đầu đầu tư mạnh sản xuất, hàng lấy nhiều hơn, lô hàng đầu tiên thành công.
“Tới đầu tháng 4, quyết định ký hợp đồng lô hàng gia công lớn hơn, ngày phải giao cũng ngắn hơn. Tuy nhiên, chỉ sau nửa tháng khi nhận đơn hàng, đợt dịch COVID mới bùng phát mạnh tại TP.HCM và kéo dài dẫn tới tình trạng sản xuất bị ảnh hưởng. Nếu không thể giao được hàng đúng hẹn, chúng tôi sẽ phải mất hàng chục tỷ đồng đền hợp đồng”, ông Báu nói.
Đang kiểm tra hàng xe vận tải của mình ở bến xe, ông Tô Văn Sáu, ngụ quận Bình Thạnh TP.HCM cho biết, ở bến xe, ông có 7 xe ô tô chở khách loại 45 chỗ đi chuyến cố định Buôn Mê Thuật – Sài Gòn. Tuy nhiên, từ năm 2020 tới nay, dịch bệnh bùng phát, lượng khách hạn chế kèm theo liên tục bị cấm xe khiến ông Sáu kiệt quệ và đang tính tới đường bán bớt xe trả ngân hàng cũng như thu hẹp lại hoạt động kinh doanh.
“Lãi vay ngân hàng, tiền thuê bến bãi, tiền phí đường bộ, lương công nhân, xăng dầu tăng… tất cả gồng vào chiếc xe. Ấy vậy mà khách hàng thưa thớt, giờ dịch bệnh không thể chạy được, trong khi khoản vay ngân hàng cần thanh toán khiến tôi đành phải bán xe để tồn tại”, ông Sau nói.
Cũng trong tình cảnh khó khăn trăm bề, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM kiêm Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, tại TP.HCM hiện có khoảng 10.000 tài xế taxi, riêng hãng Vinasun có khoảng 5.000 tài xế.
Đầu tháng 6/2021, Vinasun đã vừa hỗ trợ từ 400 – 500 ngàn đồng cho tài xế, vừa tạo điều kiện để tài xế taxi tạm ứng lương, tổng số tiền hỗ trợ đến hiện tại gần 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, khó khăn chỉ mới bắt đầu bởi dịch bệnh không biết kéo dài đến khi nào, trong lúc đó 5.000 xe taxi của hãng đang phải nằm bến bãi, tiền chi trả thuê bến bãi, lương nhân viên… tất cả đều trên vai doanh nghiệp.
Từng là con phố ăn uống sầm uất nhất dành cho người nước ngoài sinh sống tại quận 7, khu Phú Mỹ Hưng giờ đây đều đóng cửa, biển hiệu sang quán, cho thuê mặt bằng đã bao vậy kín tuyến đường này. Ngay cả khu phố sầm uất với những quán bia, rượu, nhà hàng, khách sạn… là phố đi bộ Bùi Viện giờ đây cũng chỉ còn là những căn nhà chào cho thuê hoặc treo biển sang nhượng.
Ngồi trên bàn làm việc, soạn thảo lá đơn gửi ngân hàng với nội dung xin hỗ trợ giảm lãi suất vay và ân hạn gói vay 6 tỷ đồng mà mình đang gánh, anh Lê Hoàng Tuấn, ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM kể mình vừa phải bán chiếc xe ô tô 7 chỗ hiệu Toyota anh mua năm 2018 để đi lại phục vụ kinh doanh và gia đình với mức giá chỉ 900 triệu đồng. Đây cũng là lần thứ 3 anh phải soạn đơn gửi ngân hàng xin hỗ trợ giảm lãi suất, 2 lần trước gửi đi nhưng ngân hàng không đồng ý, nhưng lần này đã không thể gồng được nữa nên anh đành tiếp tục gửi đơn tới ngân hàng. “Tất cả để có thể cầm cự chuỗi nhà hàng của tôi tại TP.HCM”, anh Tuấn nói.
Tương tự như anh Tuấn, nhiều cửa hàng kinh doanh ở TP.HCM từ trước đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã thông báo tạm đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19. Lượng khách giảm, doanh thu sa sút cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều điểm kinh doanh buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Đường Võ Văn Tần (quận 3), là nơi vốn nổi tiếng với hàng loạt cửa hàng kinh doanh thời trang (quần áo, dày dép…), nhưng theo ghi nhận của PV Nhadautu.vn, không ít cửa hàng từ lâu đã “cửa đóng then cài”, dán thông báo tạm nghỉ hoặc trả mặt bằng cho thuê.
(Còn nữa)
Nguồn dẫn: Gia Huy/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/doanh-nghiep-tphcm-song-giua-mua-covid-19–bai-1-kiet-que-vi-virus-d55185.html