“Công xưởng Việt Nam” đang nhanh chóng ổn định để tránh dịch bệnh có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đã nhiều lần thông tin Samsung dời nhà máy khỏi Việt Nam khiến nhiều người lo lắng. Sự lo lắng này cho thấy tầm quan trọng của tập đoàn Hàn Quốc đối với kinh tế Việt Nam khi năm 2020, các nhà máy Samsung ở Việt Nam tạo ra khoảng 67 tỉ USD doanh thu, tương đương 25% GDP Việt Nam.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam tiếp tục gieo lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng đối với các doanh nghiệp như Samsung. Đáng chú ý, dịch bệnh lan rộng tại một số doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc cũng như tại Bắc Ninh và Bắc Giang – là những địa phương tập trung các khu công nghiệp lớn của cả nước. Trước nguy cơ dịch bệnh, ngày 25.5, Bắc Giang đã yêu cầu 4 khu công nghiệp, trong đó có 3 cơ sở sản xuất của Foxconn, tạm thời đóng cửa.
Tình huống trên cho thấy khả năng các khu công nghiệp dừng hoạt động kéo theo nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng như đã từng xảy ra với Trung Quốc trong đỉnh dịch. Thực tế, theo bà Đoàn Thị Hải Yến, Giám đốc Kế hoạch – Đối ngoại Công ty Honda Việt Nam, doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng xáo trộn vì thiếu hụt lao động do nhiều trường hợp thuộc diện F2, F3 buộc phải cách ly.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp cung ứng cho Honda cũng thuộc diện cách ly do đóng tại địa bàn có diễn biến dịch phức tạp như Bắc Ninh hay Bắc Giang. “Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài và không có phương án xử lý, doanh nghiệp chúng tôi không thể ổn định sản xuất khi rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng luôn cận kề”, bà Yến cho biết.
Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành “công xưởng công nghệ” phục vụ cho những tập đoàn công nghệ toàn cầu như Samsung, Apple, Sharp và LG, Intel… Trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, Việt Nam là lựa chọn của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Kiểm soát được dịch bệnh tại Việt Nam giúp các hãng công nghệ đảm bảo kế hoạch ra mắt sản phẩm mới. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch thứ 4 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các nhà máy như Foxconn và Luxshare hay hàng chục đối tác của Samsung.
Thậm chí, dịch bệnh bùng phát trở lại tại một số nước châu Á như Ấn Độ, Việt Nam đang có xu hướng làm lợi cho Trung Quốc, giúp nước này hãm đà dịch chuyển nhà máy diễn ra vài năm qua. Chuỗi cung ứng có thể quay đầu trở lại Trung Quốc khi số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh tại Ấn Độ và Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management, nhận định: “Nếu chuỗi cung ứng tại Ấn Độ và Việt Nam bị gián đoạn trong một thời gian dài, chúng ta có thể thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục đạt 20-30% trong năm tới”. Theo ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC, với sự lỏng lẻo hiện đang tồn tại trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngay cả một sự suy giảm không đáng kể trong sản xuất hoặc vận chuyển cũng có thể tạo ra những tác động lan xa và rộng trên toàn thế giới.
Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi năm 2019 phần lớn doanh nghiệp nước ngoài hoạt động có lãi thì năm 2020, con số này chỉ còn là 43%. Đồng thời, tỉ lệ doanh nghiệp nước ngoài báo lỗ cũng tăng mạnh, từ 34% năm 2019 lên đến 47% năm 2020. Doanh thu trung vị của các doanh nghiệp nước ngoài cũng sụt giảm từ 0,93 triệu USD năm 2019 xuống chỉ còn 0,67 triệu USD, mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Báo cáo về hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại tháng 5.2021 được Bắc Ninh công bố gần đây cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5 bắt đầu suy giảm mạnh. Theo tính toán sơ bộ, nếu các khu công nghiệp của Bắc Ninh tạm dừng hoạt động trong 2 tuần sẽ gây thiệt hại khoảng 50.000 tỉ đồng, làm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm trên 4% và của quốc gia giảm 0,5%.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng tại Việt Nam phụ thuộc vào khả năng dập dịch nhanh chóng, cũng như khả năng ứng phó trong dài hạn. Với mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, một trong những biện pháp ưu tiên của Việt Nam là tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về lâu dài biện pháp hiệu quả nhất và tốt nhất để chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng chính là vaccine. “Muốn đảm bảo sản xuất bắt buộc phải ưu tiên vaccine cho người lao động trong khu công nghiệp. Do đó, trong đợt tới, khi vaccine dần được chuyển về Việt Nam, cần lưu ý đến vấn đề này”, ông nhấn mạnh. Theo Nikkei, tại Đài Loan, một số doanh nghiệp như Foxconn đang lên kế hoạch mua vaccine để duy trì hoạt động. Kế hoạch của các doanh nghiệp là mua vaccine từ nhà cung ứng nước ngoài và dùng 10% cho nhân viên, còn lại sẽ quyên góp cho chính phủ. Đây cũng có thể là giải pháp để Việt Nam học hỏi nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phủ rộng tiêm vaccine trong các khu công nghiệp quan trọng.
Nguồn dẫn: Minh Đức/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/vaccine-cho-cong-xuong-viet-nam-3340787/