Sáng 18-9, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp nghe đơn vị tư vấn báo cáo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Tham dự có ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Hướng đến phát triển kinh tế bao trùm hài hòa
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến thời điểm này, Quy hoạch cơ bản hoàn thành 37 nhiệm vụ tích hợp trong đó có các nhiệm vụ của các ngành, địa phương. Các nội dung Quy hoạch cần xin ý kiến đóng góp của UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy để có bước đi tiếp theo trước khi trình phê duyệt.
Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đã trình bày những định hướng của Quy hoạch. Bên cạnh những mặt thuận lợi, đơn vị tư vấn chỉ ra 05 điểm nghẽn Bình Dương đang đối mặt: Kết nối vùng gặp nhiều khó khăn; mô hình tăng trưởng hiện hữu gặp nhiều thách thức; mô hình phát triển không gian lãnh thổ và hạ tầng thiếu tầm nhìn dài hạn; giá trị tài nguyên văn hóa đang bị lãng quên và dịch vụ hạn chế; thể chế và pháp lý chung ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh…
Từ thực trạng đó, định hướng Quy hoạch đưa ra tầm nhìn phát triển xây dựng Bình Dương thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao, người dân có thu nhập tương đương các nước phát triển, kinh tế phát triển bao trùm hài hòa giữa các khu vực.
Với tầm nhìn này, Bình Dương cần giải quyết 03 vấn đề: Tiếp tục đóng vai trò đầu tàu cùng với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ trở thành động lực tăng trưởng của vùng, do đó, yêu cầu phát triển kinh tế của Bình Dương rất cao; lĩnh vực công nghiệp, thương mại cần tiếp tục phát triển đồng thời phải phát triển bao trùm, bền vững trong toàn tỉnh, tạo ra lợi thế để cho Bình Dương phát triển bền vững trong tương lai.
Các nhóm định hướng quy hoạch bao gồm: Phát triển liên kết vùng; phát triển hệ sinh thái đô thị – công nghiệp – dịch vụ hiện đại dựa trên kế thừa và đổi mới sáng tạo; xã hội phát triển công bằng và thịnh vượng dựa trên phát triển bao trùm; không gian và hạ tầng vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo; môi trường và tài nguyên phát triển xanh…
Không gian tỉnh Bình Dương được phân thành 03 lớp phát triển: Khu vực phía Nam gồm Thuận An và Dĩ An là vùng đô thị – công nghiệp hiện hữu được cải tạo phát triển thành các đô thị – dịch vụ của vùng. Khu vực đô thị – công nghiệp – dịch vụ gồm Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên là vùng đô thị – công nghiệp – dịch vụ chủ đạo của vùng Đông Nam bộ. Vùng phát triển mở rộng phía Bắc gồm Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên, trong đó phát triển khu vực Bàu Bàng trở thành đô thị trọng điểm cấp vùng, đầu mối hỗ trợ về dịch vụ – công nghiệp hiện đại, khoa học công nghệ cho các vùng kinh tế thông qua các đầu mối liên kết vùng, khu vực Dầu Tiếng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, khu vực Phú Giáo sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển không gian đô thị công nghiệp tập trung vào các hành lang (Bắc Nam gắn với trục đường Bàu Bàng – Mỹ Phước-Tân Vạn; các tuyến giao thông hỗ trợ mới và hành lang Đông Tây hai bên tuyến đường Vành đai 4) và các khu vực trọng tâm đô thị theo các mô hình cấu trúc TOD.
Phát triển không gian tỉnh gắn với lộ trình hình thành các dự án động lực như: Hình thành chuỗi đô thị dịch vụ theo mô hình TOD gắn với dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành, đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh, đường sắt đô thị Suối Tiên – Thủ Dầu Một – Bàu Bàng; hình thành không gian đô thị công nghiệp hiện đại hai bên tuyến đường Vành đai 4; hình thành hai trục đô thị dịch vụ sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các tuyến sông Bé, sông Thị Tính.
Về cấu trúc phát triển gồm một trục phát triển; 02 hành lang sinh thái; 03 vành đai liên kết; 05 phân vùng phát triển. Theo đó, phát triển theo trục Bắc Nam, lấy trục Quốc lộ 13, Bàu Bàng – Mỹ Phước – Tân Vạn; Cao tốc Chơn Thành – TP.Hồ Chí Minh; đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên – Bàu Bàng,… làm trục liên kết, phát triển trục đô thị công nghiệp – dịch vụ theo từng phân đoạn. Hành lang sinh thái gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với trục sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với trục sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng. Vành đai liên kết: Phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 03 vành đai liên kết của vùng TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đã trình bày các định hướng về đường sắt đô thị; giao thông đường thủy; cảng cạn, logistics; quy hoạch điện…
Cụ thể hóa các mục tiêu của tỉnh trong Quy hoạch
Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo, lãnh đạo các sở ngành cũng đã góp ý cụ thể cho Quy hoạch. Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Sở Giao thông vận tải đề nghị đơn vị tư vấn nên đưa những nội dung về liên kết vùng đã thống nhất với các tỉnh lân cận vào Quy hoạch, trong báo cáo không có quy hoạch Trung tâm đăng kiểm do đó cần đưa trung tâm đăng kiểm vào Quy hoạch theo Nghị định 30 của Chính phủ. Đồng thời kiến nghị đơn vị tư vấn cần nghiên cứu thêm quy hoạch bến thủy, xem xét thêm yếu tố phát triển hành khách tuyến đường thủy…
Theo ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh, Quy hoạch phải tập trung làm rõ và giải được bài toán về những mục tiêu chiến lược của tỉnh như: Tác động của việc di dời các doanh nghiệp ở phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc; khu vực phía Nam sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị chất lượng cao, tạo ra đô thị cửa ngõ ở Bình Dương, thu hút được nguồn nhân lực và nguồn dân cư chất lượng cao đến Bình Dương. Còn khu vực trung tâm, Bình Dương cần đầu tư cho đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. Để giải bài toán này, theo ông Phạm Tuấn Anh, Quy hoạch cần đi sâu chi tiết hơn nữa các giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của tỉnh.
Kết luận cuộc họp, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh, Quy hoạch đã được triển khai nhiều bước và đến nay đã cơ bản hoàn chỉnh. Để kịp thời triển khai các bước cuối cùng, ông đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC cùng đơn vị tư vấn trao đổi, thống nhất, bổ sung một số nội dung trên cơ sở góp ý, phản biện của các đại biểu.
Đối với 37 nhiệm vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì làm việc với các sở ngành, địa phương để làm rõ từng nội dung nhiệm vụ, rà soát những vấn đề còn vướng mắc, sau đó Thường trực UBND tỉnh sẽ xem xét trước khi trình Ban thường vụ Tỉnh ủy và gửi lấy ý kiến các chuyên gia.
Nguồn dẫn: Cổng thông tin UBND tỉnh Bình Dương
Link bài gốc: https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2023/09/143-quy-hoach-tinh-binh-duong-thanh-vung-do-thi-cong-nghiep-dich-vu-hien-dai-mang-tam-khu-vu