Chỉ số VN-Index mất hơn 1 tháng để tăng từ 1.300 lên 1.400 điểm, nhưng chỉ mất vài phiên để quay về vạch xuất phát.
Một sự thật không thể chối bỏ rằng, việc chỉ số VN-Index tăng hết biên độ cùng với sự tăng trần hàng loạt của các cổ phiếu trên thị trường là niềm mong ước của nhiều nhà đầu tư, và niềm mong ước đó vẫn chưa hề xảy ra trong hơn 20 năm hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán. Ấy vậy mà chỉ số giảm hết biên độ, cổ phiếu nằm sàn hàng loạt dường như lại là một điều không mấy xa lạ đối với nhà đầu tư.
“Lên thang bộ, xuống thang máy”
Phiên 12.7 khép lại khi thị trường tiếp tục chịu áp lực bán mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư. Cổ phiếu nằm sàn hàng loạt, đã có lúc VN-Index rơi hơn 73 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy xuất hiện đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm và đóng cửa ở mốc 1.296 điểm, giảm hơn 50,8 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE cũng đạt mức kỷ lục với giá trị giao dịch hơn 31.600 tỉ đồng. Như vậy, phiên giao dịch 12.7 này chỉ số VN-Index đã chính thức đánh mất mốc 1.300 điểm.
Có thể nói, việc “lên thang bộ xuống thang máy” của thị trường chứng khoán vốn là đặc tính mà phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường đều nắm rõ. Chỉ số VN-Index đã mất hơn 1 tháng để tăng từ vùng 1.297 điểm (24.5) lên mốc 1.400 điểm vào phiên 28.6. Tuy nhiên, chỉ 2 phiên giảm mạnh đã khiến VN-Index quay trở lại vạch xuất phát dưới mốc 1.300 điểm.
Các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng tương tự như vậy. Cổ phiếu HPG của Thép Hòa Phát, cổ phiếu được ưu ái với cái tên “cổ phiếu quốc dân” cũng là một ví dụ điển hình. Từ đầu năm 2021, cổ phiếu này được giao dịch quanh mức giá 30.400 đồng/cố phiếu (giá đã điều chỉnh); trải qua biết bao sự rung lắc của thị trường, mãi đến đầu tháng 5.2021, cổ phiếu HPG mới cán mốc 44.700 đồng/cổ phiếu (phiên 7.5). Và từ đó, mất hơn 1 tháng để HPG mới cán mốc 5x. Ấy vậy mà chỉ trong vài phiên giao dịch ngắn ngủi của tháng 7, HPG đã rớt mốc 5x và hiện tại đang ở vùng giá của 2 tháng trước.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu HPG từ tháng 5 mà chưa kịp chốt lời thì hiện tại đang trở về giá vốn, thậm chí là thua lỗ nếu điểm mua vào không thật sự hợp lý. Thành quả trong hơn 2 tháng bỗng nhiên bị cuốn bay chỉ trong 1 vài phiên giao dịch.
Hay như cổ phiếu CTG của Ngân hàng Vietinbank cũng là một ví dụ. CTG mất hơn 2 tháng để tăng từ vùng giá 33.000 đồng/cổ phiếu (13.4) lên mốc 42.300 đồng/cổ phiếu (29.6) nhưng chỉ mất hơn 1 tuần để trở về vùng giá 35.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại, vùng giá của hơn 3 tháng trước.
Thế mới thấy, ở thị trường chứng khoán cho đến khi nhà đầu tư thực sự chốt lời và hiện thực hóa lợi nhuận thì tất cả cũng chỉ là những con số. Tăng đó, rồi giảm đó, nhưng thật đúng với câu “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”.
Thị trường tăng nhưng không phải tất cả
Thêm một sự thật khá “phũ phàng” ở thị trường chứng khoán mà nhà đầu tư dường như cũng đều rõ. Khi thị trường chứng khoán tăng điểm, không phải tất cả các cổ phiếu đều tăng điểm. Nhưng khi thị trường giảm điểm, thì có tới 90% các cổ phiếu giảm điểm. Tiêu biểu như phiên 12.7, trên sàn HOSE có tới 374 mã giảm điểm và chỉ có 36 mã giữ được sắc xanh.
Trong cả con sóng lớn của nhóm ngành ngân hàng trong thời gian qua, khi các cổ phiếu khác đều đạt mức tăng giá bình quân trên 30% thì đến cuối tháng 6.2021, cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV dường như vẫn đang ở “vạch xuất phát”.
Kết phiên 12.7, BID đóng cửa ở mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu, giảm 12% so với hồi đầu năm 2021. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu nhà đầu tư mua BID từ đầu năm 2021, không những chưa được tận hưởng uptrend mà còn phải chịu một khoản lỗ khi thị trường giảm điểm.
Hay VNM của Vinamilk, cũng từng là cổ phiếu quốc dân một thời cũng có những diễn biến tương tự. Khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn liên tục thu hút dòng tiền trong nửa đầu năm 2021, thì VNM vẫn trên đà giảm giá. Và dĩ nhiên ở bối cảnh hiện tại, VNM cũng đang đỏ lửa trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc.
Thế mới thấy, thị trường chứng khoán vốn không phải là một bức tranh chỉ toàn màu hồng, thị trường lên “cứ mua là thắng”. Cũng là cổ phiếu ngân hàng, cũng là cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng mỗi cổ phiếu lại có “một số phận” khác nhau. Việc đầu tư có chọn lọc, lựa chọn cổ phiếu và thời điểm mua bán là một điều hết sức quan trọng.
“Thị trường chứng khoán có thể bào mòn túi tiền của bạn và làm tan nát tâm hồn bạn. Việc quay trở lại thị trường sau khi thua lỗ và mất niềm tin là điều không dễ dàng. Nhưng có những cách để bảo vệ bạn, cho dù chiến lược giao dịch của bạn là gì đi nữa, hãy bắt đầu với 2 nguyên tắc: luôn tuân thủ kế hoạch và hãy nghĩ đến rủi ro trước tiên” là lời khuyên của Phù thủy Chứng khoán Mark Minervini.
Nguồn dẫn: Vũ Hoài/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/nhung-su-that-phu-phang-o-thi-truong-chung-khoan-3341297/