BT- Lượng khí thải CO2 do đốt than từ nhiệt điện Vĩnh Tân trở thành căn cứ cho các dự án điện gió, điện mặt trời, nhất là điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh tính ra con số giảm lượng khí thải CO2 dựa vào năng lượng sản sinh của dự án. Đó cũng là hành trình phát triển tìm điểm mạnh của điện than, quyết liệt theo hướng năng lượng xanh và đến giờ này, hình dáng Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia tại Bình Thuận đã rõ nét.
Bài 1: Thời điểm chín mùi đầu tư điện gió
Sau bao lần dự kiến, cuối cùng tàu chở 9 tổ hợp tuabin gió, mỗi tuabin có công suất 3.3 MW cùng cột tháp cao 130m, trạm biến áp 110KV và các thiết bị điện đi kèm mà Công ty TNHH Năng lượng tái tạo 2 Bình Thuận đặt mua từ đối tác Trung Quốc đã cập Cảng Vĩnh Tân. Nhiều ngày trước, ở cảng có 3 trường hợp nhập cảnh dương tính với Covid-19, tiếp đến toàn tỉnh giãn cách xã hội nên tàu được phun khử khuẩn đến từng chi tiết, các thủy thủ phải thực hiện cách ly 21 ngày trên tàu… Sau đó, hàng mới được vận chuyển về công trình xây dựng điện gió có công suất 30MW thuộc giai đoạn 2 của Dự án Phong điện 1 – Bình Thuận tại xã Bình Thạnh –Tuy Phong. Tính ra, phải qua tháng 8, trễ so với dự kiến ban đầu khoảng 2 tháng nhưng với 9 móng tuabin đã thi công xong, việc lắp dựng các tuabin… cũng không mất nhiều thời gian lắm. Điều đáng lo là không biết chất lượng hàng như thế nào, vì nếu như không có dịch Covid-19 bùng lên, công ty sẽ lập đoàn sang tận nhà máy khảo sát, kiểm tra, lựa chọn hàng ưng ý nhưng diễn biến dịch thời gian qua khiến công ty phải thuê người bên Trung Quốc thực hiện công đoạn này nên có chút lo lắng. Nếu hàng có sơ sót, không khớp sẽ không có cơ hội để đổi trả, vì thời gian bảo đảm tiến độ đóng điện cuối cùng là 31/10/2021.
Đây là mốc thời gian mà các dự án điện gió kịp hòa lưới thì sẽ được hưởng giá bán điện ưu đãi cố định trong 20 năm (FIT), tức 8,5 UScents/kwh với điện gió gần bờ và 9,8 UScents/kwh với điện gió ngoài khơi. Trong cuộc chạy đua hưởng giá ưu đãi điện gió này, thông tin từ Sở Công Thương cho biết Bình Thuận có 6 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 235MW đăng ký hòa lưới quốc gia trước chặng 31/10/2021. Trong đó 2 dự án ở Tuy Phong đều thi công giai đoạn 2 gồm điện gió Phong điện 1 – Bình Thuận 30MW, điện gió Thuận Bình 25,2MW ở xã Phú Lạc; 3 dự án ở Bắc Bình gồm điện gió Thái Hòa 90MW, điện gió Thuận Nhiên Phong 30MW đều tại xã Hòa Thắng, điện gió Hồng Phong 1 có 40MW tại xã Hồng Phong và điện gió Hàm Cường 2 có 19,8MW tại xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam. Theo tiến độ báo cáo cho thấy, dù có chậm trễ trong một số khâu như đi lại của chuyên gia, vận chuyển thiết bị… do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng các chủ dự án quyết tâm sẽ hòa lưới kịp trước 31/10/2021. Ngoài điện gió Hàm Cường 2 do vướng đền bù, điện gió Phong Điện 1- Bình Thuận cũng có điểm khó. Vì theo hợp đồng với EVN, giai đoạn 2 của Phong Điện 1 sẽ đấu nối vào đường dây 110kV mạch 2 Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí nhưng hiện đường dây này chưa thi công xong.
Cũng theo Sở Công Thương, chủ đầu tư điện gió Phong Điện 1 – Bình Thuận đã có đơn xin đấu tạm mạch hiện hữu là đường dây 110kV mạch 1 Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí, nơi giai đoạn 1 của dự án đã hòa lưới từ nhiều năm trước, để được COD, tức có chứng chỉ vận hành thương mại trước thời điểm 31/10/2021, chứ không mong được phát điện lên lưới. Vì đường dây này đã quá tải từ 2 năm qua, sau 30/6/2019, khi các dự án điện mặt trời chạy đua hòa lưới để hưởng giá điện ưu đãi 9,35 UScents/kwh kéo dài 20 năm. Do vậy, khi đường dây 110kV mạch 2 Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí thi công xong thì giai đoạn 2 của dự án sẽ chuyển sang đấu nối và phát lên lưới sau.
Nơi trung tâm gió
Lùi lại năm 2008, dự án Phong điện 1 – Bình Thuận giai đoạn 1 khởi công với 20 tuabin gió, tạo ra công suất 30MW tại xã Bình Thạnh – Tuy Phong trở thành dự án điện gió đầu tiên của Việt Nam và có công suất lớn nhất vùng Đông Nam Á. Sau đó, trên địa bàn tỉnh có thêm 2 nhà máy điện gió nữa rồi dừng, vì giá bán điện thấp, không có lời. Mãi cho đến tháng 11/2018, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 39/2018/QĐ-TTg với giá FIT ưu đãi trên, tăng đến 15% so với trước, áp dụng với các nhà máy phát điện lên lưới quốc gia đến ngày 31/10/2021 thì mới kích thích các nhà đầu tư chú ý. Họ bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài đã đổ về Bình Thuận, nơi được đánh giá là trung tâm của gió, rồi nhiều dự án điện gió được hình thành sau đó nhưng phần lớn không thể tham gia cuộc đua này.
Nguyên nhân vấn đề, theo phân tích của các nhà đầu tư trong cuộc, ngoài mất thời gian cho thực hiện các thủ tục, nhất là được bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia, việc xây dựng 1 nhà máy điện gió không thể nhanh như 1 nhà máy điện mặt trời. Do đặc thù thi công bằng các giải pháp kỹ thuật khó, cộng thêm toàn bộ thiết bị, công nghệ về tuabin gió và cả chuyên gia đều phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài nên bình quân mất 2 năm với điện gió gần bờ, 3 – 3,5 năm với điện gió ngoài khơi. Trong khi năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài nên chuyện vận chuyển tuabin, thiết bị; chuyện các chuyên gia ngại sang, vì sợ phải cách ly… khiến kéo dài thời gian hơn, thành ra không thể triển khai xây dựng nhà máy kịp.
Ở diễn biến khác, trong thời gian trên, thị trường các thiết bị, tuabin của điện gió phát tín hiệu tích cực từ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thế giới đã đẩy giá thành xây dựng dự án điện gió gần bờ giảm đến 40 – 70%, điện gió ngoài khơi giảm 30% so với trước. Cộng thêm tính năng ưu việt của điện gió là không gây tác hại môi trường; hệ số huy động công suất cao đến hơn 3.000 Kwh/1MW, trong khi điện mặt trời chỉ hơn 1.500kwh/1MW; có thể phụ tải nền thay cho nhiệt điện than, thủy điện… đã khẳng định hiện tại là thời điểm chín mùi đầu tư điện gió.
Vì thế, dù các bộ, ngành hiện có nhiều ý kiến khác nhau trong kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá FIT ưu đãi cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 tới hết ngày 31/12/2023 theo nhiều kiến nghị để kích thích đầu tư thì tại tỉnh đã có 11 dự án điện gió, trong đó có 3 trên bờ, 8 ngoài khơi được UBND tỉnh kiến nghị bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Đặc biệt, đối với 2 dự án lớn, trong đó có điện gió Thăng Long Wind, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương sớm bổ sung vào Quy hoạch điện VIII cũng như xem xét xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho điện gió ngoài khơi gắn với chiến lược biển Việt Nam, qua đó tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các dự án tiếp theo. Thực tế, gần đây xuất hiện thêm điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất đến 3.500MW…
Chỉ 2 dự án lớn trên, Bình Thuận đã có gần 7.000MW, trong khi dự thảo Quy hoạch điện VIII, đặt ra với điện gió ngoài khơi đến năm 2030 chỉ từ 2.000 – 3.000MW, nên mới đây Hiệp hội năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ tăng lên 15.000 – 20.000MW. Nếu theo kiến nghị thì các dự án điện gió đề xuất bổ sung quy hoạch điện VIII của tỉnh lên hơn 15.000MW nên Bình Thuận trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của cả nước. Điều đó gợi lên bao tò mò mong ngóng lẫn hoài nghi, khi mà hiện tại mọi vấn đề liên quan đến tên gọi đáng tự hào ấy chưa thấy hiển hiện chút gì trên thực tế.
Hiệp hội năng lượng Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ tăng chỉ tiêu phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030 từ 2.000 – 3.000MW lên 15.000 – 20.000 MW. Nếu theo kiến nghị ấy thì các dự án điện gió ngoài khơi đề xuất bổ sung quy hoạch điện VIII của tỉnh đã lên hơn 15.000MW. Bình Thuận trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của cả nước. |
Nguồn dẫn: BÍCH NGHỊ/ Báo Bình Thuận
Link bài gốc: http://www.baobinhthuan.com.vn/kinh-te/nang-luong-cho-tai-sinh-bai-1-139887.html