Có nên đón khách có hộ chiếu vaccine?
Ngành du lịch tại nhiều nước trên thế giới bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trở lại, mở cửa nhiều điểm du lịch sau khi chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 được triển khai rộng rãi.
Theo đó, Chính phủ Thái Lan hôm 22/6 đã thông qua một chương trình mang tên “Phuket Sandbox”, cho phép du khách quốc tế đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể đến hòn đảo xinh đẹp này mà không cần phải cách ly 14 ngày. Chương trình dự kiến bắt đầu từ tháng 7, du khách sẽ được tự do du lịch trên đảo Phuket, tham gia các hoạt động tắm biển, thể thao dưới nước và mua sắm.
Tại Indonesia, nước này dự kiến sẽ mở cửa biên giới các thành phố du lịch như đảo Bali, Batam và Bintan trong tháng 7. Hiện Indonesia đang đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân cả nước, đặc biệt chú trọng lực lượng lao động làm trong lĩnh vực hàng không, du lịch.
Maldives, một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch, cũng tuyên bố mở cửa biên giới với các nước Nam Á kể từ ngày 15/7, cho phép du khách đã tiêm vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính nhập cảnh du lịch.
Tại Việt Nam, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang). Theo các chuyên gia đánh giá, việc thí điểm thành công và an toàn thì sẽ nhanh chóng mở rộng ra các điểm du lịch khác. Đây cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam đón du khách trở lại, với cả du khách quốc tế và du khách nội địa.
Đối với Đà Nẵng, hồi tháng 4/2021, ngành du lịch Đà Nẵng đã chọn ra khoảng 10 doanh nghiệp đón khách quốc tế khi có chủ trương đón khách có hộ chiếu vaccine của Chính phủ, cũng như có hướng dẫn của Bộ Y tế. Song, việc tổ chức đón khách du lịch hộ chiếu vaccine ở thời điểm hiện nay đối với Đà Nẵng nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các nhà hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cũng nên nghiên cứu đón khách hộ chiếu vaccine, tuy nhiên việc này phải được thực hiện theo mô hình khép kín. Từ di chuyển, kiểm tra sức khoẻ, đưa đón ở sân bay cho đến các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng phải riêng biệt và đảm bảo theo yêu cầu phòng chống dịch của Bộ Y tế.
“Phải tạo ‘luồng xanh’ cho khách đi an toàn hay những khu dịch vụ riêng cho khách quốc tế. Ví dụ như khách muốn tắm biển, du lịch biển thì các khách sạn phải đáp ứng được một khu riêng biệt dành cho khách”, ông Quỳnh nói.
Nhìn về phía Phú Quốc, nơi được Thủ tướng cho phép thí điểm đón khách hộ chiếu vaccine, ông Quỳnh thừa nhận Phú Quốc dễ dàng thực hiện hơn Đà Nẵng rất nhiều, vì Phú Quốc tiêm vaccine toàn bộ cho người dân trên đảo (hoặc trên 70%) thì đương nhiên họ có thể thoả mái đi vui chơi.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam – Vitours lại cho rằng, hiện nay nước ta nên thí điểm một nơi trước đã, khi thành công rồi thì chúng ta có thể nhân rộng ra các nơi khác. So Đà Nẵng với Phú Quốc thì nên làm ở Phú Quốc vì nơi đây là một đảo riêng nên chỉ cần tiêm vaccine cho tất cả mọi người trên đảo là có thể đón khách hộ chiếu vaccine. Còn Đà Nẵng có dân số đông và còn là trung tâm khu vực nên nhiều người dân nơi khác đổ về giao thương nên khó thực hiện.
“Lộ trình tiêm vaccine ở Việt Nam đang được triển khai mạnh mẽ, khi Việt Nam hoàn thành tiêm vaccine cho người dân, đồng thời thế giới cũng vậy thì Đà Nẵng cũng nên áp dụng du lịch vaccine. Còn thời điểm hiện tại thì Đà Nẵng không nên làm việc này”, ông Tùng nhận định.
Theo ông Tùng, hiện tại Đà Nẵng cần phải kiểm soát dịch bệnh cho thật tốt, trước hết là để Đà Nẵng an toàn cho người dân địa phương du lịch tại chỗ, đồng thời khách ở địa phương khác đến phải kiểm soát dịch bệnh thật kỹ.
“Bên cạnh chống dịch, cần có sự hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Việc Chính phủ hỗ trợ cho người lao động trong thời gian qua là rất tốt, tuy nhiên phạm vi áp dụng quá hẹp nên nhiều lao động vẫn chưa tiếp cận được. Đối với doanh nghiệp thì cần hoãn, giãn nợ ngân hàng. Hiện nay việc hoãn và giãn nợ này vẫn chưa áp dụng được nhiều”, ông Tùng đề xuất.
Tự cứu lấy mình
Ngành du lịch vốn lao đao, chưa thể phục hồi nay đang bị tê liệt hoàn toàn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay, cùng với việc chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế trở lại nên khó khăn sẽ kéo dài. Đặc biệt, doanh nghiệp Đà Nẵng càng tổn thương nặng nề hơn khi dịch bệnh COVID-19 luôn bùng phát trong thời gian cao điểm du lịch ở miền Trung. Trong lúc chờ thêm các gói hỗ trợ từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp vẫn chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh, tận dụng nguồn lực để tự cứu lấy mình trước cơn bão lớn.
Ông Nguyễn Hữu Duy Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Du lịch Non Nước Việt cho biết, trong thời gian tới bản thân các doanh nghiệp du lịch cần phải tự cứu lấy mình. Bản thân các doanh nghiệp đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm nên những khó khăn lần này có thể sẽ được giải quyết sớm và chờ ngày du lịch hồi phục.
“Dịch bệnh đã xuất hiện trên diện rộng và đã bùng phát đợt thứ 4 nên từ Trung ương đến địa phương đã có kinh nghiệm. Mọi công tác phòng, chống dịch đều rất chủ động và cơ động. Đơn cử như Đà Nẵng, hiện nay thành phố đang kiểm soát dịch rất tốt, chắc chắn thời gian sau du lịch sẽ bùng nổ trở lại. Do đó, các doanh nghiệp hãy sẵn sàng kế hoạch, sản phẩm phù hợp cho thời gian tới. Đợi đến khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ chính là thời điểm bung ra để thu hút du khách đến thành phố và trải nghiệm”, ông Vũ chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành Tập đoàn FVG cho biết, là một trong những doanh nghiệp lấy mảng du lịch là mục tiêu phát triển lâu dài, Tập đoàn FVG đã đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức trước tình hình diễn biến của dịch COVID-19. Hiện tại, đơn vị vẫn đang duy trì thi công dự án mới để chuẩn bị hoàn thiện đón khách du lịch nội địa trong năm này. Đồng thời, chuẩn bị tái cơ cấu hoạt động cho ngành du lịch, công ty tiếp tục giữ lại đội ngũ nhân lực nòng cốt để tiếp tục đào tạo và phát triển cho các lớp nhân sự tiếp theo.
Bà Nhung cho rằng, để đánh giá khả năng phục hồi thị trường du lịch trong năm 2021 trong bối cảnh hiện tại về cơ bản là khó khăn, khi tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng bùng phát mạnh và khả năng lây lan nhanh, hoặc khả quan hơn tính đến phương án khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh tốt trong 1 vài tháng nữa, lúc đó cũng đã bước vào mùa du lịch thấp điểm.
“Việc kích cầu, thu hút du khách lựa chọn đi du lịch vào mùa du lịch thấp điểm cũng là một ý kiến hay, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như các chương trình ưu đãi thực sự hấp dẫn thu hút du khách, xây dựng nhiều điểm đến mới và các tour du lịch nhiều trải nghiệm độc đáo…”, bà Nhung cho hay.
Trước đó, tại tọa đàm “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng 2021”, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, ngành du lịch là 1 trong 3 trụ cột chính của Đà Nẵng, là 5 mũi nhọn trong định hướng phát triển, đóng góp cho sự tăng trưởng của thành phố nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm 2020 ngành du lịch Đà Nẵng đã chịu thiệt hại nặng nề.
“Trong thời điểm này, chính là thời điểm chúng ta phải chuẩn bị các điều kiện, chứ không phải là thời điểm chùng xuống. Thành phố cam kết đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất để triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp tạo sản phẩm mới cho du lịch”, ông Quảng khẳng định.
Bí thư Đà Nẵng cho rằng, thành phố đang có chủ trương làm việc với các nhà đầu tư có uy tín, trước hết chỉnh trang lại toàn bộ sông Hàn. Đà Nẵng sẽ tiến hành xây dựng đề án sông Hàn về đêm gồm tổ hợp hệ thống ánh sáng của các cây cầu, 2 bên bờ sông, tích hợp để tạo ra những hoạt động ánh sáng về đêm. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang ưu tiên phát triển một số hạ tầng như phố đi bộ Bạch Đằng – Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo; Khu phố An Thượng; đồng ý cho chủ trương làm thí điểm ở một số khu vực, đặc biệt là các bãi biển tổ chức các hoạt động về đêm cho du khách…
Nguồn dẫn: Thành Vân/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/du-lich-da-nang-trong-vong-xoay-cua-covid-19–bai-2-hy-vong-hoi-sinh-voi-ho-chieu-vaccine-d54660.html