Dự án metro số 2 là công trình đường sắt đô thị thuộc cấp đặc biệt, với tổng mức đầu tư gần 47.891 tỷ đồng. Theo dự kiến, công trình sẽ khởi công trong năm 2021. Tuy nhiên, công tác GPMB đang bị chậm tiến độ, cùng với đó việc huy động lại tư vấn IC cũng chưa đạt được thỏa thuận.
Vỡ kế hoạch giải phóng mặt bằng
Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), tại văn bản khẩn mà Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa gửi Sở KH&ĐT TP.HCM cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đến nay chỉ mới đạt 74,63% (450/603 trường hợp).
Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%. Quận Tân Bình đã bàn giao mặt bằng hai nhà ga (S10 – Phạm Văn Bạch; S11- Tân Bình); quận 10 bàn giao mặt bằng một nhà ga (S5 – Lê Thị Riêng); quận Tân Phú bàn giao mặt bằng ba nhà ga (S9 – Bà Quẹo; S10 – Phạm Văn Bạch; S11- Tân Bình) và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương. UBND quận 12 cũng gần hoàn tất công tác bàn giao, chỉ còn chờ một công ty di dời về địa chỉ mới.
Theo MAUR, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm trể trên là do công tác bố trí vốn để thực hiện GPMB cho dự án trong năm nay chưa đảm bảo so với nhu cầu thực tế dẫn đến các quận, huyện có nhu cầu tiếp tục bố trí kế hoạch vốn cho năm tiếp theo để hoàn thành dự án.
Đáng chú ý, MAUR đề cập đến việc công tác GPMB tuyến metro số 2 khó có thể hoàn thành trong năm 2020.
Do đó, MAUR kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo và giải quyết khó khăn vướng mắc để thực hiện công tác GPMB. Cụ thể là giải quyết chính sách bồi thường của quận 3, bố trí vốn để thực hiện GPMB.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP.HCM cũng đã trình UBND thành phố phương án điều chỉnh giá đất tại quận 3, chờ phê duyệt để triển khai. So với trước, giá mới được cho sát thực tế hơn.
“Phía chủ đầu tư đang phối hợp các bên giải quyết tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ dự án, dự kiến sẽ hoàn thành GPMB vào quý II năm sau”, MAUR thông tin.
Như vậy, công tác GPMB của dự án hiện đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra trước đó là cuối năm 2020 sẽ hoàn thành.
Nguy cơ chậm vốn
Bộ Kế hoạch – Đầu tư mới đây đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc huy động lại tư vấn IC (liên danh Metro Team Line 2 là nhà thầu) cho tuyến metro số 2, do hợp đồng tư vấn hết hiệu lực sau khi bị điều chỉnh vì dự án chậm tiến độ.
Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, việc huy động lại tư vấn là điều kiện gia hạn hiệp định với Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) đến cuối năm 2026 và chuẩn bị cho các khoản vay bổ sung. Đây cũng là cơ sở dự án mở thầu gói CP3a, CP3b (hầm và các ga ngầm), giải phóng mặt bằng để làm thủ tục vay mới từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết, TP.HCM hiện chưa đạt thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng số 13, hợp đồng cuối với IC sau khi tư vấn ngưng hỗ trợ dự án từ tháng 10/2018. Với phụ lục này, phía tư vấn tính chi phí phát sinh gần 3,7 triệu Euro.
Trước đó, 12 phụ lục hợp đồng đã được MAUR ký với IC, trong đó 6 phụ lục tăng gần 9 triệu Euro, nâng tổng chi phí phát sinh của 13 hợp đồng lên hơn 12,6 triệu Euro so với hợp đồng ký 8 năm trước.
Thông tin về lý do phải ký 13 phụ lục hợp đồng, MAUR cho biết, xuất phát từ các yêu cầu bắt buộc trong quá trình thực hiện dự án như điều chỉnh ranh, thiết kế, phân bổ lại phạm vi công việc, chỉnh sửa hồ sơ mời thầu…
“Việc điều chỉnh đòi hỏi tư vấn phải cập nhật, hoàn thiện lại hồ sơ, làm thủ tục với các nguồn vay từ nhà tài trợ cho dự án… Đây là các công việc phát sinh ngoài hợp đồng ký trước đó và MAUR sẽ không làm tăng tổng mức đầu tư do đã tính toán khi điều chỉnh dự án hồi cuối năm 2019”, MAUR thông tin.
Thời điểm năm 2012, MAUR cũng đã ký hợp đồng tư vấn IC cho dự án metro số 2 trị giá gần 44 triệu Euro, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn A thực hiện theo hình thức “trọn gói”, trị giá gần 13 triệu Euro để thiết kế và hỗ trợ đấu thầu các gói thầu chính; giai đoạn B trị giá hơn 31 triệu Euro để giám sát thi công. Kinh phí chi trả hợp đồng tư vấn sử dụng từ vốn tài trợ không hoàn lại của KfW cho dự án.
Hiện, MAUR đang thương thảo với IC theo một số yêu cầu từ đơn vị này trước khi đi vào các nội dung chi tiết để đạt được thoả thuận. Tuy nhiên, việc thương thảo thời gian qua bị chậm do ảnh hưởng COVID-19, các bên không thể làm việc trực tiếp mà phải qua văn bản. Dự kiến, tư vấn thực hiện dự án sẽ được huy động lại trong tháng 1/2021.
Dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) thuộc công trình đường sắt đô thị thuộc cấp đặc biệt, với tổng mức đầu tư gần 47.891 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 18.512 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hỗ trợ gần 4.181 tỷ đồng…
Dự án có tổng chiều dài là 11,2km, dự kiến đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Phú, Tân Bình với đoạn đi ngầm dài khoảng 9,2 km, đoạn đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2 km. Công trình bao gồm chín ga ngầm, một ga trên cao và một depot. Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 sẽ khởi công năm 2021, hoàn thành sau 5 năm.
Nguồn dẫn: Lý Tuấn/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/du-an-metro-so-2-lieu-co-kip-khoi-cong-trong-nam-2021-d47245.html