Hoạt động sản xuất sơ mi rơ moóc xuất khẩu đi Mỹ ở khu phức hợp THACO Chu Lai là điều nhiều doanh nghiệp công nghiệp mơ ước khi chuỗi cung ứng, sản xuất chưa thể trở lại nhộn nhịp.
Đau đáu làm hàng cơ khí “chất lượng cao”
Trong khi rất nhiều người vẫn quan niệm sản phẩm cơ khí là thô ráp, nặng nề, thì tại THACO, cơ khí chế tạo đã được nâng lên tầm cao mới, với phương châm “chất lượng cao, khẳng định thương hiệu” và bán được giá cao.
Đưa chúng tôi đi thăm phân xưởng sản xuất sơ mi rơ moóc đang sáng đèn, công nhân hăng say làm việc dù đã 22 giờ đêm để kịp xuất hàng đi Mỹ, chốc chốc, ông Dương lại dừng bước, nhấc những chi tiết cơ khí đã được gia công sắc nét, gọn gàng lên và say sưa ngắm.
Ông nói: “Để vào được Mỹ, sơ mi rơ moóc phải thiết kế rất cẩn thận, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Từng mối hàn phải đạt chuẩn để cho ra sản phẩm chất lượng tốt, khi xe chở hàng chạy tốc độ cao trên xa lộ, vẫn trường xe, không bị trì, nhưng phải ít hao nhiên liệu…”.
Giải thích lý do khiến khách hàng cách nửa vòng trái đất vẫn tìm tới THACO để đặt chế tạo những mặt hàng cồng kềnh và có trọng lượng rất lớn, ông Dương cho hay, chi phí logistics mà người mua phải chịu để chuyển hàng tới Mỹ là 2.600 USD/sơ mi rơ moóc, song họ vẫn đặt mua của THACO bởi mức giá sản phẩm hợp lý hơn nhiều thị trường khác và chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu vào Mỹ. Tương tự, sản phẩm xi téc xuất sang Hàn Quốc dù phải chịu thuế nhập khẩu 7%, nhưng đối tác cũng lựa chọn đặt hàng tại Việt Nam.
Không chỉ có những chiếc sơ mi rơ moóc khỏe khoắn, mang lại cho THACO hợp đồng gần 600 triệu USD trong 2 năm 2022 – 2023 với số lượng hơn 40.000 sản phẩm xuất vào Mỹ, trong phân xưởng cơ khí chế tạo còn nhiều mặt hàng khác như hàng rào trang trại chăn cừu ở Australia, những chiếc xe chở xi téc nhỏ gọn, bắt mắt mà khách hàng Hàn Quốc đã đặt…
Chớp cơ hội đang đến, trên cơ sở nền tảng hiểu biết sâu về ngành cơ khí, ông Dương đã quyết định đầu tư thêm Nhà máy Sơ mi rơ moóc và Cấu kiện nặng, công suất 20.000 sản phẩm/năm với công nghệ hiện đại, dây chuyền khép kín, gồm: hàn robot, phun bi bề mặt, sơn nhúng tĩnh điện ED với chiều dài đến 18 m, sơn hoàn thiện tĩnh điện bột. Dây chuyền lắp ráp, kiểm định sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 6/2022.
Dự án này nối tiếp dự án khác, dường như, ông chủ THACO chưa lúc nào ngơi nghỉ. Nhưng, ông không chỉ nghĩ cho riêng mình, mà còn luôn trăn trở, làm sao để có nhiều doanh nghiệp đồng hành với mình trong sản xuất, kinh doanh. Nhấn mạnh vai trò của công nghiệp hỗ trợ, ông Dương khẳng định, công nghiệp cơ khí, điện – điện tử chính là nền tảng khởi đầu để phát triển, vì mọi ngành công nghiệp đều cần đến “phần cứng”, tức là cơ khí, chế tạo.
Từ đây, ông đặt mục tiêu làm ra những sản phẩm “cơ khí hàng hiệu”, đầu tư cho máy móc, thiết bị, coi trọng đào tạo nhân lực để sớm hiện thực hóa mục tiêu này.
Những thành công của ngành cơ khí được người chuyên tâm với sản xuất như ông Dương coi là nền tảng ban đầu để phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp điện – điện tử, tạo đà để tiến đến thành công trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực tiễn phát triển của THACO trong hơn 20 năm qua cho thấy, cơ khí chế tạo tiếp tục là nền tảng quan trọng và được người say nghề như ông Dương phát triển, phát huy cả chiều rộng lẫn chiều sâu để mở rộng hệ sinh thái THACO sang những lĩnh vực tưởng chừng không liên quan, như nông nghiệp, logistics, thậm chí cả thương mại bán lẻ và gặt hái được những thành công ấn tượng.
Gần 15 ngày đêm thiết kế và sản xuất xe tiêm chủng lưu động
Sống ở TP.HCM, ông Dương tận mắt chứng kiến những đau thương khi dịch bệnh xảy ra. Bởi vậy, dù hoạt động kinh doanh của THACO cũng gặp khó khăn vì Covid-19, nhưng ông Dương rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Một trong số đó là ý tưởng thiết kế và sản xuất xe chở vắc-xin lưu động, xe tiêm chủng lưu động, cung cấp cho chiến dịch tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc khi Covid-19 lan rộng hồi giữa năm 2021. Cũng nhờ lĩnh vực cốt lõi sản xuất cơ khí, mà ông Trần Bá Dương và THACO có thể nhanh chóng hiện thực hóa ý tưởng này.
Dự án này nối tiếp Dự án khác, dường như,ông chủ THACO chưa lúc nào ngơi nghỉ. Nhưng, ông không chỉ nghĩ cho riêng mình, mà còn luôn trăn trở, làm sao để có nhiều doanh nghiệp đồng hành với mình trong sản xuất, kinh doanh.
Không thể ra Chu Lai giữa lúc dịch bệnh đang bùng phát mạnh, ông Dương vẫn điều hành, chỉ đạo triển khai các hoạt động hỗ trợ nhanh nhất có thể. Các mẫu thiết kế xe tải chuyên dụng chở vắc-xin hay xe tiêm chủng lưu động từ Phòng R&D ở Chu Lai liên tục được chuyển vào notebook cầm tay của ông. Quá trình sản xuất chiếc xe mẫu cũng được quay video chi tiết để ông kiểm tra từ xa.
“Mất 7 ngày từ lúc có ý tưởng đến khi ra chiếc xe đầu tiên. Anh em vừa thiết kế, vừa thi công. Sau khi ưng ý xe mẫu, các nhà máy sáng đèn suốt ngày đêm. Tổng cộng mất gần 15 ngày để ra lô xe. Tất cả những nỗ lực ấy của đội ngũ THACO nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, mong vơi bớt những đau buồn mà dịch bệnh mang tới”, ông Dương chia sẻ.
Đến giờ, những người thợ cơ khí chế tạo ở THACO Industries vẫn nhớ như in khoảng thời gian “căng như dây đàn” cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021, khi cùng nhau góp sức thiết kế, chế tạo những chiếc xe chuyên dụng phục vụ tiêm chủng lưu động, trên cơ sở chiếc xe Mitsubishi Fuso Canter đang sản xuất tại Chu Lai theo công nghệ được chuyển giao từ Tập đoàn Mitsubishi Fuso Trucks & Bus, với tỷ lệ nội địa hóa trên 50%.
Hơn 70 cán bộ, kỹ sư, công nhân Nhà máy THACO Tải, Bus THACO và Tổ hợp Cơ khí đã nỗ lực hết mình, đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn chỉnh thiết kế, sản xuất suốt ngày đêm để sớm hoàn thành, bàn giao xe phục vụ chiến dịch.
Anh Lê Văn Doanh, Trưởng phòng R&D (Nhà máy THACO Tải) chia sẻ, ai cũng mong được góp công sức của mình vào dự án này. “Chúng tôi đã huy động toàn bộ anh em có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thiết kế tập trung, đóng góp ý kiến để đáp ứng yêu cầu triển khai sản xuất nhanh nhất có thể. Các anh em đã có nhiều đêm trắng, nhưng chúng tôi luôn làm việc với tinh thần phấn khởi, động viên nhau, nỗ lực sản xuất, sớm hoàn thiện dự án để giúp ích cho cộng đồng”, anh Doanh kể.
Với khối lượng công việc rất lớn, đội ngũ nhân sự tại các nhà máy của THACO đã phải tổ chức sản xuất 3 ca liên tục dưới sự chỉ đạo và theo sát của Ban Lãnh đạo Công ty để quá trình sản xuất diễn ra hiệu quả, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Trực tiếp sản xuất và quản lý công đoạn lắp ráp thùng xe, anh Nguyễn Văn Nghĩa, Quản đốc Phân xưởng Lắp ráp thùng (Nhà máy Tổ hợp Cơ khí) cho hay: “Ở dự án này, chúng tôi phải nỗ lực gấp 5, gấp 10 lần so với bình thường bởi tính cấp bách, cần thiết của những chiếc xe với cộng đồng. Rất khó khăn, vất vả, nhưng chúng tôi rất vui vì được góp một phần công sức vào dự án. Trong những lúc như vậy, chúng tôi càng ý thức rõ triết lý vì khách hàng, xã hội, đất nước và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng mà Công ty vẫn luôn hướng đến”.
Với tinh thần ấy, bằng trí tuệ và tay nghề của người THACO, chỉ trong vòng chưa đến 2 tuần, 63 xe chuyên dụng vận chuyển vắc-xin và 63 xe chuyên dụng phục vụ tiêm chủng lưu động đã hoàn thành để kịp phục vụ chiến dịch tiêm vắc-xin trên cả nước, nhằm hạn chế tác động của dịch ở thời điểm căng thẳng nhất.
Những chiếc xe tiêm chủng lưu động của THACO đã hỗ trợ tích cực cho chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 8/2021, khi dễ dàng di chuyển vào các con đường nhỏ, các khu dân cư, giúp việc tiêm chủng ở khu phố thuận lợi, người dân không phải di chuyển xa. Với không gian được thiết kế tối ưu, mô hình xe lưu động tiêm vắc-xin rất thuận lợi, tạo cảm giác thoải mái cho người dân trong quá trình tiêm chủng, đặc biệt đối với người cao tuổi.
Không chỉ tặng xe phục vụ tiêm chủng, trước thực tế khan hiếm xe cứu thương để vận chuyển bệnh nhân tại những thành phố lớn, THACO lại một lần nữa phát huy sở trường cơ khí chế tạo của mình khi phát triển xe cấp cứu trên cơ sở dòng xe thương mại hạng nhẹ Iveco Daily 16 chỗ, được tinh chỉnh để mang đến khả năng vận hành phù hợp. Công ty đã trao tặng 30 chiếc xe cứu thương tới các đơn vị y tế tại TP.HCM và 30 chiếc tới các đơn vị y tế tại Hà Nội.
Với những người thợ cơ khí THACO, mỗi khi nghĩ tới những chiếc xe tiêm chủng cơ động thực hiện nhiệm vụ, họ đều cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được góp sức mình trong “cuộc đua” hồi sinh nhịp thở cho bệnh nhân Covid-19.
***
Chúng tôi tạm biệt nhà máy THACO lúc nửa đêm, sau cả tiếng đồng hồ chứng kiến sự sôi động của những dây chuyền máy dập, máy hàn, máy gia công cơ khí… Ông Dương tiễn chúng tôi với lời hẹn: “Hôm nào đi thăm vùng nông nghiệp nhé! Bê đã hơn 5.000 con, heo thì nhân đàn nhanh lắm. Emart cũng nhộn nhịp lại rồi…”.
THACO đã đi qua một năm khó khăn bởi tác động của dịch bệnh, nhưng vẫn đạt những kết quả ấn tượng. Hàng cơ khí xuất đi nhộn nhịp, loạt xe mới được ra mắt đúng kế hoạch; vùng nông nghiệp tiếp tục phát triển; thương vụ nhận chuyển nhượng đại siêu thị Emart tại Việt Nam cũng đã hoàn tất… Đó không chỉ là “quả ngọt” của những tháng năm nỗ lực đầu tư bài bản, cần cù, nghiêm túc và đầy tâm huyết, mà còn cho thấy tầm nhìn và khả năng tổ chức, hiện thực hóa các mục tiêu được đặt ra của doanh nhân Trần Bá Dương – người mê sản xuất và những “cuộc chơi” lớn.
Nguồn dẫn: Thanh Hương/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/doanh-nhan-tran-ba-duong-chu-tich-hdqt-ctcp-o-to-truong-hai-thaco-nguoi-me-san-xuat-lon-d160061.html