3 năm trước khi tham gia dự án cao tốc Bắc Nam với vai trò nhà thầu, nhóm chủ Cầu 7 Thăng Long từng đầu tư vào lĩnh vực BOT, với dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp thu hút sự chú ý của dư luận một thời.
Hàng chục gói thầu tại đại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang được triển khai đồng loạt trên toàn quốc. Với tổng vốn đầu tư của 11 dự án thành phần là hơn 99.000 tỷ đồng, đại dự án cao tốc Bắc Nam là nơi hội tụ của gần như tất cả các nhà thầu xây dựng hàng đầu cả nước, như Vinaconex, Phương Thành Tranconsin, Đèo Cả, Trung Nam, Sơn Hải, Trung Chính…
Bên cạnh đó, cũng có không ít những “tay chơi” ít tiếng tăm hơn. CTCP Cầu 7 Thăng Long là một trường hợp như vậy, khi doanh nghiệp này nằm trong cùng hai nhà thầu tên tuổi, là Cienco4 và Trung Chính trúng gói thầu XL9 tại dự án Cam Lộ – La Sơn với giá trúng thầu 623,015 tỷ đồng.
Ngoài gói thầu tại Cao tốc Bắc – Nam, Cầu 7 Thăng Long hiện đang liên danh cùng CTCP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An thực hiện gói 02/VT2-XL thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 (giá trúng thầu 289,836 tỷ đồng); hay liên danh cùng Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn – CTCP Kết cấu thép ATAD – CTCP dịch vụ & kỹ thuật cơ điện lạnh R.E.E thi công xây dựng công trình, cung cấp, lắp đặt thiết bị và hệ thống cơ, điện thuộc dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Liên tiếp tham gia các gói thầu quy mô lớn từ Bắc vào Nam khiến cái tên Cầu 7 Thăng Long không khỏi thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Hệ sinh thái kín đáo của doanh nhân Trần Việt Khoa
CTCP Cầu 7 Thăng Long thành lập từ năm 1993, đóng trụ sở tại số 26 đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, từng là thành viên của Tổng Công ty Thăng Long.
Năm 2017, Tổng công ty Thăng Long thoái hết 36% cổ phần trong Cầu 7 Thăng Long. Tới tháng 9/2019, doanh nghiệp này tăng mạnh vốn điều lệ từ 69 tỷ đồng lên 91 tỷ đồng.
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, tính đến tháng 3/2021, Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn là cổ đông lớn nhất Cầu 7 Thăng Long khi nắm 60,2% vốn. Ông Trần Việt Khoa (SN 1971) – Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc Cầu 7 Thăng Long – hiện cũng là cổ đông sở hữu 76,849% vốn XD Thi Sơn.
Ông Khoa, cũng như Thi Sơn không phải cái tên quá xa lạ với giới đầu tư. Như Nhadautu.vn từng đề cập, Thi Sơn – CTCP Đầu tư Xây dựng số 9 là nhà đầu tư Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp, có chiều dài 21,5km, vốn đầu tư 1.836,89 tỷ đồng.
BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp được biết đến nhiều với hình ảnh “hot girl” 9x Từ Thị Bích Nguyệt khi nữ Phó Tổng giám đốc trạm BOT này vào đầu tháng 9/2017 đã thẳng thắn nêu ra những bất cập của dịch vụ thu phí không dừng của VETC.
Ngoài BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, Thi Sơn từng thực hiện một số dự án như: Liên danh cùng CTCP Tập đoàn Cienco 4 và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP Thi công xây dựng công trình (giai đoạn 1) thuộc dự án Mở rộng sân đỗ máy bay – Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài; xây dựng phần đường vành đai (đoạn đường Phan Văn Tuấn nối Nguyễn Tấn Chính) thuộc dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam – Tiểu dự án TP. Tân An (tỉnh Long An); Liên danh cùng Tổng CTCP thương mại xây dựng (WTO) xây dựng đoạn tuyến QL91 từ Km7+00 – Km14+00 thuộc dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long – Dự án WB5 (giá trúng thầu 317,6 tỷ đồng)…
Bên cạnh Thi Sơn, doanh nhân Trần Việt Khoa còn nắm 5,26% vốn CTCP Hacera – một công ty sản xuất gạch men; sở hữu 1% CTCP Thương mại và Đầu tư Phú Quốc; hay nắm 40% vốn Công ty TNHH Vật tư Kỹ thuật và Xây dựng Thống Nhất.
Hồi tháng 5/2021, ông Khoa nằm trong nhóm các cổ đông nắm 21,94% vốn CTCP Xây dựng Bảo tàng TP.HCM (HCMCC) đề cử bà Trần Thị Hoa – Kế toán trưởng HCMCC, ông Nguyễn Mạnh Thắng vào vị trí Thành viên HĐQT HCMCC. Sau đó, tại ĐHĐCĐ thường niên (tổ chức tháng 6/2021), duy nhất bà Trần Thị Hoa đắc cử vị trí này. Theo tìm hiểu, bà Hoa là Người đại diện phần 11,8% vốn góp của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp) tại HCMCC. Bà cũng từng có thời gian là Thành viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng.
Nhóm Cầu 7 Thăng Long kinh doanh thế nào?
Tham gia nhiều gói thầu lớn, song Cầu 7 Thăng Long (công ty mẹ) gây bất ngờ với kết quả kinh doanh giai đoạn 2016-2019 không quá khả quan. Trong 2 năm 2018 và 2019, công ty lần lượt lỗ 58 tỷ đồng và 20,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù vốn điều lệ tính đến tháng 9/2019 là 91 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu công ty tại ngày 31/12/2019 chỉ là 40 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy hoạt động kinh doanh của Cầu 7 Thăng Long gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài.
Thậm chí, trước đó trong năm 2018, vốn chủ sở hữu công ty ghi nhận -17,7 tỷ đồng.
Kinh doanh thiếu hiệu quả cũng là nguyên nhân khiến tài sản công ty suy giảm mạnh. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản Cầu 7 Thăng Long đạt 256,4 tỷ đồng, giảm hơn 37% so với cuối năm 2016.
Với Thi Sơn, tình hình không mấy tích cực hơn, khi kết quả kinh doanh giai đoạn 2016-2019 có xu hướng suy giảm mạnh.
Tính riêng năm 2019, doanh thu thuần công ty (mẹ) chỉ là 66,4 tỷ đồng, giảm 45,9% so với năm 2018. Trừ đi các chi phí, Thi Sơn ghi nhận lỗ 10,5 tỷ đồng. Đây là kết quả doanh thu/lãi thuần thấp nhất của công ty trong giai đoạn 2016-2019.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Thi Sơn tại ngày 31/12/2019 đạt 398,7 tỷ đồng, tăng gần 6,4%. Vốn chủ sở hữu 265,6 tỷ đồng, giảm 3,9%.
Trong khi đó, tính riêng năm 2019, CTCP Hacera lãi thuần 595 triệu đồng; Công ty TNHH Vật tư Kỹ thuật và Xây dựng Thống Nhất lỗ 44 triệu đồng.
Nguồn dẫn: Hòa Khoa/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/dinh-danh-ong-chu-cau-7-thang-long-d57814.html