Sự trỗi dậy của “thành phố phía Tây” mang lại tầm vóc mới cho đô thị Hà Nội theo mô hình đa cực.
Hạ tầng thăng cấp, nhịp sống tấp nập
Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Sau 10 năm, diện mạo đô thị Hà Nội đã lột xác ngoạn mục, trong đó, khu phía Tây được đánh giá là phát triển thần tốc nhất khi được quy hoạch thành trung tâm hành chính, thương mại quốc gia mới.
Về giao thông, trung tâm mới được ưu tiên đầu tư mạnh mẽ. Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 – 3,5; trục Lê Văn Lương – Tố Hữu, đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Nguyễn Xiển – Xa La… thông xe, thiết lập một mạng lưới giao thông siêu kết nối.
Các dự án trọng điểm như đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, buýt nhanh BRT… đều được đặt ở khu phía Tây.
Đặc biệt, “tam giác vàng” metro số 5, 6, 7 hình thành ở Tây Mỗ, Đại Mỗ cũng hứa hẹn trở thành “ngòi nổ” kích hoạt sự phát triển bứt phá cho cả khu vực.
Không lâu sau khi Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Khu liên hợp Thể thao Quốc gia đi vào hoạt động, nhiều bộ, ngành cũng “Tây tiến”, như Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Hải quan…
Ngoài ra, trung tâm mới phía Tây còn trở thành mảnh đất lành thu hút hàng nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ trong nước và quốc tế. Cùng với đó là “làn sóng” cán bộ công chức nhà nước, lao động chất lượng cao, chuyên gia quốc tế… chuyển dịch về “thành phố phía Tây” an cư.
Về tiện ích xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các cơ sở y tế, giáo dục cũng mọc lên, tạo nên nhịp sống sôi động không ngừng nghỉ.
Đó là gần 1.000 điểm trường học, bệnh viện với nhiều tên tuổi lớn như Hệ thống trường liên cấp Vinschool, Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, các Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, Hồng Ngọc, Thu Cúc… quy tụ trong bán kính chỉ 5 – 7 km quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Đặc biệt, trung tâm mới còn chứng kiến cuộc “đổ bộ” của nhiều “đại gia” BĐS như Vingroup, Vinaconex, Geleximco, BIM Group, Nam Cường… kiến tạo chuỗi đô thị hiện đại, tiện ích đủ đầy như Vinhomes Smart City, Vinhomes Green Bay, Bắc An Khánh, Dương Nội…
Cùng với đó, hệ thống khách sạn 5 sao JW Marriott, InterContinental, Grand Plaza và hệ thống trung tâm thương mại hàng đầu như Vincom, Aeon Mall, BigC, Co.op Mart… cũng nườm nượp đổ về trung tâm mới phía Tây.
Hơn chục năm trước, nhiều nơi tại Mỹ Đình, Mễ Trì, Tây Mỗ, Đại Mỗ còn là vùng hoang vu, ít ánh đèn đường thì nay đã “biến hình” trở thành những khu dân cư đông đúc, dịch vụ sầm uất, rực rỡ ánh đèn, nhộn nhịp ngày đêm.
Lời giải cho điểm nghẽn trong phát triển đô thị
Là một trong những chuyên gia chắp bút cho bản Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng sự lên ngôi của “thành phố phía Tây” tách rời khỏi khu vực phố cổ, trung tâm văn hóa, hành chính cũ, không chỉ giúp giảm tải áp lực hạ tầng, dân số tại Thủ đô mà còn xác lập một định nghĩa mới về “trung tâm thành phố”.
Ngoài vị trí địa lý kế cận các công sở, doanh nghiệp, khu sản xuất để cư dân thuận tiện đi học, đi làm hàng ngày thì “trung tâm thành phố” phải là nơi có giao thông kết nối thuận lợi, có diện tích đủ lớn để quy hoạch những dự án hàng trăm hecta và có hạ tầng, tiện ích hiện đại nhằm mang lại điều kiện sống tốt hơn cho cư dân.
Theo KTS. Trần Ngọc Chính, với các yêu cầu này, khu vực nằm giữa vành đai 3 và vành đai 4 là đáp ứng tốt nhất. Trên thế giới, các trung tâm mới thường cách nội đô cũ khoảng 1 – 2 giờ lái xe.
Tại Hà Nội, trung tâm mới phía Tây cách khu phố cổ chỉ 30 – 40 phút đi đường là quá lý tưởng. Chưa kể, bây giờ người dân có kinh tế tốt hơn, muốn có điều kiện sinh hoạt cao hơn nên đều tìm đến các trung tâm mới an cư.
“Khi xây dựng một khu đô thị mới có đầy đủ hạ tầng dịch vụ, tiện ích chất lượng cao thì người dân sẵn sàng từ bỏ nơi ở cũ chật hẹp để chuyển đến sống”, ông Chính đánh giá.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM, cho rằng phát triển ra ngoài vùng lõi là xu hướng chung của các đô thị lớn khắp thế giới.
Để minh chứng, vị chuyên gia trích dẫn khái niệm “ngưỡng đô thị”, là điểm giới hạn không phát triển thêm được nữa. Tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ xã hội của mỗi đô thị đều có hạn, không thể sinh sôi nhưng dân số lại gia tăng không ngừng.
Ngày nay, không thể tìm được trong nội đô cũ diện tích đất đủ lớn để xây dựng một khu đô thị quy mô, đảm bảo chất lượng sống. Do đó, phát triển ra phía ngoài là quy luật không thể đảo ngược
“Tình trạng ô nhiễm môi trường, kẹt xe, hạ tầng quá tải, thiếu trường học, bệnh viện, công viên, nơi vui chơi giải trí… là những lực đẩy cư dân ra phía ngoài, tìm kiếm không gian sống chất lượng hơn. Ngược lại, khu phía ngoài sở hữu đất rộng, không gian thoáng mát, nhiều cây xanh, quan hệ xã hội thân thiện, chuẩn mực sống được nâng cấp… là những lực hút cư dân chuyển dịch về các trung tâm mới”, PGS. Minh Hòa lý giải.
Các chuyên gia cũng cho rằng, sự trỗi dậy của các trung tâm mới với hạ tầng đồng bộ, kiến trúc hiện đại đã khoác cho Thủ đô một tấm áo mới, đồng thời, là động lực để giải bài toán di dân khỏi những trung tầm cũ chật chội, thiếu tốn tiện ích.
Chẳng hạn, dù bàn giao chưa đến 2 năm nhưng đại đô thị Vinhomes Smart City (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) đã thu hút 20.000 cư dân về sinh sống.
Làn sóng dịch chuyển đó có vai trò quan trọng của nhà phát triển bất động sản hàng đầu như Vinhomes khi tiên phong kiến tạo các đại đô thị mô hình “thành phố trong lòng thành phố”.
“Đây là mô hình giải quyết được những điểm nghẽn, đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của đô thị hiện đại”, KTS. Trần Ngọc Chính khẳng định.
Nguồn dẫn: Bnews/ TTXVN
Link bài gốc: https://bnews.vn/dien-mao-trung-tam-hanh-chinh-thuong-mai-moi-phia-tay-thu-do-sau-10-nam-quy-hoach/215972.html