LTS: TP.HCM là đô thị đặc biệt; trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức lan tỏa lớn tới cả nước. Địa phương này chỉ chiếm 0,6% diện tích Việt Nam, dân số hơn 9,2 triệu người, nhưng nhiều năm qua luôn đóng góp lớn nhất cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Năm 2021, mục tiêu GRDP mà chính quyền TP.HCM đặt ra là 6%, nhưng đối mặt với những thách thức lớn từ “cơn bão” COVID-19, dự báo mục tiêu này sẽ khó lòng thực hiện. Kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng sẽ kéo theo những đóng góp cho GDP cả nước bị sụt giảm.
Theo nhận định của chuyên gia, trong kịch bản tốt nhất cho thành phố thì GRDP đạt 5%, còn trong kịch bản xấu hơn, con số này sẽ rơi vào khoảng từ 3-4%. Thời điểm hiện tại, khó lòng đưa ra một dự báo chính xác, phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Để phân tích kỹ hơn về vai trò và ảnh hưởng của TP.HCM tới vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Nhadautu.vn khởi đăng tuyến bài: “COVID-19 bùng phát ở TP.HCM ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu tăng trưởng?”.
Tăng tốc từ những tháng đầu năm
Vào năm 2005, TP.HCM có 2.966.400 lao động có độ tuổi từ 15, năm 2008 là 3.856.500 người, năm 2009 là 3.868.500 người, năm 2010 là 3.909.100 người, năm 2011 là 4.000.900 người… và đến năm 2020, con số này đã lên tới 4.724.798 người.
Những con số này cho thấy, TP.HCM như thỏi nam châm, có vai trò rất lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi giải quyết được công ăn, việc làm cho người lao động, kéo theo sự dịch chuyển cơ học về dân số từ các tỉnh phía Đông, Tây Nam bộ và nhiều nơi trên khắp cả nước.
Trong giai đoạn 2015-2020, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng nhờ năng suất lao động cao mà thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước. Về ngân sách, thành phố chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia, trung tâm công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng lần lượt là 15% và 33% của cả nước…
Năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát làm suy thoái kinh tế toàn cầu thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức dự báo từ 2-3%, trong đó có đóng góp rất lớn của TP.HCM với vai trò “đầu tàu”.
Cụ thể, TP.HCM vẫn đạt mức tăng trưởng dương dù bước vào giai đoạn vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, với đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước. Quy mô kinh tế của thành phố thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực, cơ cấu kinh tế được thay đổi, gia tăng các ngành khoa học, công nghệ cao…
Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước), TP.HCM được ví như là “anh Hai Nam Bộ” bởi những đóng góp quan trọng, luôn đi đầu trong các lĩnh vực và là cửa ngõ giao thương quốc tế.
Số liệu thống kê cho thấy, các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ chiếm 20% dân số nhưng đóng góp 45% GDP, thu ngân sách chiếm 40%. Riêng TP.HCM chiếm đến 42% tổng dân số, 56% vốn đầu tư xã hội và đóng góp 51% vào GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Không chỉ có tầm ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm, thành phố còn là động lực, sức cầu cho 13 tỉnh ĐBSCL. Với hơn 110 trường đại học, cao đẳng, số lượng sinh viên trên 700.000, gần 400.000 doanh nghiệp, dân số hơn 10 triệu dân…, TP.HCM là thị trường tiêu thụ rộng lớn và là trung tâm nguồn cung ứng nhân lực cho các địa phương phát triển.
Trở lại với câu chuyện mục tiêu tăng trưởng kinh tế TP.HCM, năm 2020, thành phố tăng trưởng 1,39% so với năm 2019, thu ngân sách khoảng 352.000 tỷ đồng, đạt 86,74%. Đứng trước tình hình dịch bệnh, thành phố đã điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế, giảm chỉ tiêu GRDP bình quân hàng năm còn 8%, thay vì ở mức 8,3 – 8,5%.
Bước sang những tháng đầu năm 2021, thời điểm dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, chính quyền thành phố đã tăng tốc với hàng loạt các giải pháp và đặt ra những mục tiêu kinh tế cụ thể. Kết quả, thành phố đã có những chỉ số tích cực trước khi bước vào giai đoạn giãn cách xã hội bởi “cơn bão” COVID-19 lần thứ 4 bùng phát.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, GRDP ước tăng 5,46% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực nông lâm thuỷ sản giảm 0,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,58%; khu vực dịch vụ tăng 5,86%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,08%.
Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước khoảng 198.566 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán, tăng 20,7%; chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 29.710 tỷ đồng, đạt 30,6% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 185.975 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, bằng 27,3% so với GRDP; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 541.685 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ, ngành lưu trú, ăn uống tăng 18,9%.
Có được những con số khả quan như vậy, đó là sự nỗ lực của thành phố trong trạng thái bình thường mới khi vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát trên diện rộng khiến nền kinh tế sôi động bậc nhất cả nước đang trở nên khó khăn. Dự báo, 6 tháng cuối năm, các chỉ tiêu kinh tế sẽ sụt giảm đáng kể vì dịch bệnh kéo dài.
COVID-19 bùng phát trở lại – “cơn bão” quét qua thành phố
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, kéo dài thời gian qua đã tác động rất lớn đến những mục tiêu phát triển của TP.HCM. Chia sẻ với Nhadautu.vn, TS. Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế) cho biết, các chuỗi cung ứng của thành phố đang bị đứt gãy, nền kinh tế rơi vào trạng thái tê liệt.
Chính phủ, Trung ương và chính quyền TP.HCM đưa ra những biện pháp cần thiết để bình ổn chuỗi hàng hóa, thực phẩm cho người dân nhưng vẫn rất khó để lập lại sự ổn định như bình thường.
“Đơn cử như những điểm chốt chặn ở cửa ngõ thành phố tuy là rất cấp bách nhưng đây lại là điểm nghẽn, làm hạn chế nguồn cung hàng hóa, thực phẩm bởi hầu hết đều vận chuyển bằng đường bộ. Thậm chí, có vận chuyển hàng hóa bằng tàu cao tốc thì cũng chỉ đáp ứng một phần nào đó sự thiếu hụt chứ không thể như trước đây”, ông Hiếu nói.
Nguồn dẫn: Nguyên Vũ/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/covid-19-bung-phat-o-tphcm-anh-huong-the-nao-toi-muc-tieu-tang-truong–bai-1-khi-dau-tau-bi-om-d55183.html