Việc phát triển điện năng lượng mặt trời ở tỉnh Ninh Thuận nóng đến mức, hồ thủy lợi cũng trở thành “miếng mồi” của các chủ đầu tư, họ phớt lờ quy định của pháp luật về thủy lợi.
Trong làn sóng “đổ bộ” đầu tư dự án điện mặt trời, tại nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng để làm điện mặt trời, “núp bóng” mô hình kinh tế trang trại, lắp đặt trái phép trên mái nhà xưởng… Những dự án xây dựng bất chấp pháp luật này không chỉ phá nát quy hoạch đất đai, mà còn “góp phần” khiến hệ lụy của “cơn sốt” điện mặt trời trở nên trầm trọng hơn.
Bài 2: “Xẻ thịt” hồ thủy lợi
Việc phát triển điện năng lượng mặt trời ở tỉnh Ninh Thuận nóng đến mức, hồ thủy lợi cũng trở thành “miếng mồi” của các chủ đầu tư, họ phớt lờ quy định của pháp luật về thủy lợi.
Hồ thủy lợi thành… “vạn lý trường thành”
Ngay sau khi Dự án Nhà máy Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ (do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành – gọi tắt là Công ty Trường Thành – làm chủ đầu tư) được khởi công xây dựng, người dân các xã Phước Nam và Phước Dinh (huyện Thuận Nam) đã phản ánh về việc gia súc (bò, dê, cừu) bị “chặn đường” xuống hồ uống nước.
Ngày 8/1/2021, các cơ quan, đơn vị, gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, UBND huyện Thuận Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận (chủ hồ chứa nước Bầu Ngứ), UBND xã Phước Dinh, UBND xã Phước Nam… xuống Nhà máy Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ để kiểm tra.
Dự án Nhà máy Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ có quy mô công suất 50 MW, diện tích đất sử dụng 75 ha, tổng mức đầu tư ban đầu là 1.150 tỷ đồng.Sau một số lần điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của Dự án còn hơn 73 ha (trong đó, diện tích vùng bán ngập của lòng hồ là hơn 24 ha); tổng vốn đầu tư được nâng lên gần 1.500 tỷ đồng.
Tháng 6/2019, Dự án đã hòa vào lưới điện quốc gia.
Tại buổi kiểm tra, đại diện UBND xã Phước Nam cho rằng, tường rào Nhà máy Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ làm cản trở đường xuống uống nước hồ của gia súc, vật nuôi và đề nghị Công ty Trường Thành tháo dỡ hàng rào tại suối chính chảy vào hồ Bầu Ngứ để lấy đường cho gia súc xuống uống nước.
Đại diện UBND xã Phước Dinh cũng đề nghị chủ đầu tư tháo dỡ hàng rào để trả lại đường dân sinh nối 2 xã Phước Dinh – Phước Nam cho vật nuôi xuống uống nước và để bà con đi lại khi mực nước hồ hạ thấp.
Cùng với việc khẳng định Dự án Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ “chặn” đường xuống hồ uống nước của gia súc, đại diện chủ hồ chứa nước Bầu Ngứ còn chỉ ra rằng, khi mực nước hồ đạt mức nước dâng bình thường, thì các tấm pin mặt trời cao hơn mặt nước khoảng 50 cm, tức ở cao trình khoảng +52,00 m. Do đó, vị đại diện này đề nghị Công ty Trường Thành nâng các tấm pin lên cao hơn cao trình mực nước lũ kiểm tra lớn nhất của hồ (53,33 m).
Đồng quan điểm, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu Công ty Trường Thành lắp đặt tấm pin trên cao trình +53,33 m để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép hoạt động cho Dự án; đồng thời đề nghị Công ty Trường Thành tháo dỡ hàng rào để khôi phục đường dân sinh ngang qua lòng hồ theo ý kiến của địa phương.
Dù thừa nhận cao trình lắp đặt tấm pin mặt trời là +52,00 m và xây dựng tường rào kiên cố để bảo vệ Dự án, nhưng đại diện Công ty Trường Thành có mặt tại buổi kiểm tra vẫn “đối chọi” rằng, Công ty đã bố trí đường đi để gia súc xuống uống nước.
Tiếp nhận thông tin phản ánh, tới ngày 9/4/2021, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra việc chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời Bầu Ngứ “quây bao” hồ thủy lợi.
Ngày 16/4/2021, báo cáo của Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận do ông Võ Đình Vinh, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận (hiện là Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận) ký cho biết, Công ty Trường Thành đã xây dựng tường thành kiên cố dọc con đường tránh lòng hồ về phía Tây Nam Dự án Nhà máy Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ với chiều dài tường khoảng 7.800 m. Các phía còn lại xây hàng rào không kiên cố (lưới B40, trụ bê tông) với chiều dài khoảng 3.000 m. Mục đích của việc xây dựng trên để bảo vệ tài sản và đảm bảo an toàn thiết bị của Dự án. Ngoài ra, xung quanh Nhà máy có 3 vị trí vẫn để trống, không xây tường kiên cố.
“Về con đường dân sinh cũ đi thẳng vào lòng hồ Bầu Ngứ (qua cổng chính của Nhà máy), tuy có lắp thanh chắn barie, nhưng vẫn mở cửa cho người dân, gia súc đi lại. Hiện do con đường thường xuyên ngập nước, có thể gây nguy hiểm cho người dân khi lưu thông, Đoàn Kiểm tra đã yêu cầu Công ty Trường Thành tháo bỏ thanh chắn barie đầu đường phía Tây Bắc, rào chắn hở và lắp đặt các biển cảnh báo “đường nguy hiểm, hố sâu” tại 2 đầu đường; lắp thêm hàng rào dọc theo con đường này để tách biệt khu vực lắp tấm pin mặt trời với con đường dân sinh để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại và an toàn thiết bị điện mặt trời và Công ty đã thực hiện xong các yêu cầu trên (tháo bỏ thanh barie, hàng rào hở) trong ngày 14/4/2021”, báo cáo của Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận nêu.
Cuối cùng, báo cáo này kết luận: “Qua kiểm tra thực tế và ghi nhận ý kiến người dân sinh sống gần hồ Bầu Ngứ, nhận thấy, Công ty Trường Thành không xây tường thành khu vực đập, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp”.
Có thể thấy, kết luận này không đồng nhất với các ý kiến đề nghị của chính quyền các địa phương, chủ hồ chứa nước Bầu Ngứ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận tại buổi kiểm tra ngày 8/1/2021, khiến dư luận phải đặt dấu hỏi về tính khách quan của báo cáo.
Quy định một đằng, tấm pin lắp một nẻo
Việc cấp phép hoạt động đối với Dự án Nhà máy Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ đã ngốn không ít “giấy mực” hướng dẫn từ Tổng cục Thủy lợi.
Cơ quan này cho biết, trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các hoạt động phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 44, Luật Thủy lợi và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP, ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi. Hoạt động xây dựng dự án điện mặt trời trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có giấy phép theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 44, Luật Thủy lợi và Khoản 1, Điều 13, Nghị định số 67/2018/NĐ-CP.
“Hoạt động vận hành nhà máy phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước hồ. Trong quá trình vận hành nhà máy mà có các hoạt động phải có giấy phép theo quy định tại Điều 44, Luật Thủy lợi, thì đơn vị vận hành nhà máy điện mặt trời phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép trước khi tiến hành hoạt động (ví dụ: hoạt động của phương tiện thủy nội địa, phương tiện cơ giới, trừ xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện thủy nội địa thô sơ)…”, Tổng cục Thủy lợi hướng dẫn.
Ngoài ra, đất có mặt nước chuyên dùng là hồ chứa thủy lợi được sử dụng kết hợp cho các mục đích khác, nhưng không được san lấp, tôn nền, thay đổi mục đích sử dụng đất trong lòng hồ làm ảnh hưởng đến các đặc trưng kỹ thuật, làm thay đổi quy mô, nhiệm vụ thiết kế của hồ chứa thủy lợi.
Sau nhiều lần được Tổng cục Thủy lợi “hướng dẫn” bằng các văn bản khác nhau, các cơ quan quản lý và chủ hồ chứa Bầu Ngứ (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận) mới “mạnh dạn” chỉ rõ vi phạm của doanh nghiệp.
Tại Văn bản số 496 (ngày 30/11/2020) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, các dự án điện năng lượng mặt trời đã xây dựng trong phạm vi diện tích lòng hồ gồm hồ Bầu Zôn (huyện Ninh Phước), hồ Bầu Ngứ (huyện Thuận Nam)… Đến thời điểm tháng 11/2020, các chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện thủ tục cấp phép theo Nghị định số 67/2018/NĐ-CP và Công văn số 1118 (ngày 30/6/2020) của Tổng cục Thủy lợi về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng và khai thác dự án điện mặt trời trong phạm vi bảo vệ hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Chủ hồ chứa nước Bầu Ngứ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận có ý kiến để UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo công tác vận hành an toàn các hồ chứa.
Thực tế này cho thấy, ngay từ đầu, các chủ đầu tư đã phớt lờ quy định của pháp luật về thủy lợi. Tháng 6/2019, Dự án Nhà máy Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ đã hòa vào lưới điện quốc gia, nhưng cho đến tháng 11/2020, theo văn bản nói trên, chủ đầu tư Dự án vẫn chưa thực hiện thủ tục cấp phép theo Nghị định số 67/2018/NĐ-CP.
Đến ngày 25/2/2021, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ban hành Văn bản số 54, yêu cầu Công ty Trường Thành rà soát, kiểm tra hiện trạng cao trình lắp đặt tấm pin chưa đạt yêu cầu theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy lợi tại Công văn số 1188.
Theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy lợi, thì cao trình lắp đặt tấm pin phải cao hơn mực nước lũ kiểm tra lớn nhất của hồ chứa (đối với hồ Bầu Ngứ là +53,33 m) và thêm độ vượt cao an toàn có tính đến tác động của sóng leo theo QCVN 04-05:2012/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia – công trình thủy lợi – các quy định chủ yếu về thiết kế.
“Trên cơ sở rà soát, kiểm tra, có các biện pháp gia cố, nâng cao cao trình tấm pin để đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa, tiêu thoát lũ”, chủ hồ chứa nước Bầu Ngứ đề nghị.
Đến ngày 16/3/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đề nghị chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ thuê đơn vị tư vấn có chuyên ngành phù hợp thực hiện công tác khảo sát, đánh giá lại hiện trạng ngập và cao trình tấm pin hiện hữu. Trên cơ sở đánh giá, chủ đầu tư có đề xuất giải pháp phù hợp (như nâng cao trình tấm pin, tháo dỡ, di dời một số tấm pin để đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa, tiêu thoát lũ và các vấn đề an toàn điện, cháy nổ…).
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay, Công ty Trường Thành vẫn đang khắc phục các tồn tại theo hướng dẫn.
“Chúng tôi đã nhận được hồ sơ thuyết minh do công ty này gửi lên. Họ thuê tư vấn để làm, đánh giá xem trong phạm vi lòng hồ chiếm bao nhiêu tấm pin, chiếm diện tích bao nhiêu, để đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã thẩm định hồ sơ thuyết minh, còn kết quả thực hiện bao giờ xong thì chưa kiểm tra, cập nhật”, ông Cương nói.
Tính đến ngày 31/5/2021, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 3.655 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất lắp đặt khoảng 286 MW. Sản lượng phát lên lưới 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 183,8 triệu kWh.Về dự án điện mặt trời, tính đến tháng 6/2021, Ninh Thuận có 2 dự án đã hoàn thành thi công xây dựng và hiện chưa thỏa thuận được giá mua bán điện nên chưa được công nhận ngày vận hành phát điện thương mại (COD); 1 dự án (Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân 1.3 (36 MW) đang triển khai thi công, khối lượng thực hiện ước đạt trên 65%, còn khoảng 20 ha đang vướng mắc mặt bằng.
(Còn tiếp)
Nguồn dẫn: Nhiệt Băng/ Báo đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/con-loc-dien-mat-troi-quet-qua-quy-hoach-dat-dai-bi-pha-nat—bai-2-xe-thit-ho-thuy-loi-d149237.html