Cuộc CMCN 4.0, các FTA thế hệ mới, cơ cấu dân số vàng, chuyển dịch đầu tư quốc tế… được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xem là cơ hội vàng cho giai đoạn 10 năm tới của Việt Nam.
Đánh giá kết quả kinh tế – xã hội năm 2020 tại Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, từ kết quả thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế – xã hội vừa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong khi nhiều quốc gia vẫn đang khủng hoảng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021 và các năm tiếp theo.
Thứ nhất, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp.
Công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, các quyết sách của Chính phủ rất kịp thời, chính xác, đặc biệt là vai trò của Thủ tướng Chính phủ. Thành tựu đạt được là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, củng cố niềm tin là chúng ta có thể làm được nhiều điều kỳ diệu khác.
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ trương đúng đắn này được triển khai suốt thời gian qua và cần được thực hiện mạnh mẽ thời gian tới trong bối cảnh rất khó đoán định. Cùng với đó, tận dụng các cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, thu hút FDI… để gia tăng khả năng chống chịu, sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Thứ ba, nhận định, đánh giá đúng tình hình về khó khăn, thách thức và cơ hội, xây dựng giải pháp, đối sách phù hợp.
Thứ tư, thường xuyên đổi mới sáng tạo, nâng cao bản lĩnh trí tuệ trong công tác tham mưu…
Nói về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phòng, chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu, trở thành điều kiện cần quan trọng nhất để triển khai các giải pháp, chính sách về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước. Việc mở cửa lại nền kinh tế cho các giao thương với thế giới vẫn phải xem xét và có bước đi thận trọng.
Bộ trưởng đề nghị khẩn trương lập đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý kết hợp triển khai các loại hình kinh tế mới, kinh tế số và cung cấp các dịch vụ công, triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây là chương trình hết sức quan trọng trong năm 2021.
Đồng thời phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đặc biệt ở ba thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý và triển khai các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
“Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các FTAs thế hệ mới, cơ cấu dân số vàng, chuyển dịch đầu tư quốc tế… đang là cơ hội vàng cho giai đoạn 10 năm tới của Việt Nam để đạt được những mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.
Do đó, ông Dũng cho rằng, cần tiếp tục đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng mạnh mẽ hơn khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế số… đem lại hiệu quả cao hơn, năng suất cao hơn và nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương quan tâm, việc hoàn thành các quy hoạch tạo thuận lợi để triển khai các giải pháp huy động nguồn lực triển khai các chương trình, dự án trọng điểm vùng, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế, ngày càng phát huy vai trò của các đô thị trọng điểm, đô thị lớn, đặc biệt ngay từ năm 2021 phải tập trung nguồn lực cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường ven biển, tuyến giao thông kết nối cảng biển, sân bay, đường cao tốc, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển…
Nguồn dẫn: Kỳ Thành/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/co-hoi-vang-cho-giai-doan-10-nam-toi-cua-viet-nam-d135725.html