Giá biệt thự nghỉ dưỡng vẫn tăng trong bối cảnh nhiều phân khúc khác phải cắt lỗ.
Hai động thái đang được ghi nhận ở thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, trong khi các nhà đầu tư condotel đang cắt lỗ ra hàng thì giá biệt thự nghỉ dưỡng hàng hiệu lại có dấu hiệu tăng mạnh. Theo khảo sát của batdongsan.com, nhiều condodotel ở Nha Trang đang được rao bán khá nhiều. Nhiều dự án nằm trên các trục đường chính như Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai cũng không khá hơn. Giá rao bán được với mức giảm phổ biến từ 100-300 triệu đồng/căn. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Đà Nẵng, các dự án trên các tuyến đường như Trường Sa, Ngô Quyền với mức cắt lỗ cũng tương đương Nha Trang.
Nguồn khách du lịch bị cắt đứt vì dịch bệnh khiến nhiều chủ đầu tư không có nguồn thu để trả lãi là lý do chính dẫn đến việc bán cắt lỗ. Bên cạnh đó, pháp lý đối với loại hình căn hộ du lịch này không thay đổi nhiều trong thời gian qua cũng khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm, ảnh hưởng kéo dài từ 4 đợt dịch khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chịu những ảnh hưởng nặng nề cho dù tình hình dịch bệnh có được kiểm soát hiệu quả. Đối tượng khách nội địa vẫn là nguồn cầu chủ đạo của thị trường này.
Mặc dù vậy, phân khúc biệt thự, resort nghỉ dưỡng hàng hiệu lại ghi nhận giá tăng trong mùa dịch. Theo Savills Việt Nam, hạn chế về nguồn cung mới đã chứng kiến mức hấp thụ 88% trong quý I/2021. Giá đất đã tăng từ 1.000 USD/m2 đến hơn 7.700 USD/ m2 , cao nhất ở dự án InterContinental Hạ Long tại Quảng Ninh. Giá chào bán là 500.000 USD đến 7 triệu USD, cao nhất ở dự án Regent Villas & Resort, Phú Quốc ở Kiên Giang.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, cho biết hầu hết là các căn biệt thự cao cấp trên khu đất rộng tới 2.500 m2 bên bờ biển, hoặc có tầm nhìn hướng về biển và có hồ bơi riêng. Từ năm 2017, nguồn cung bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam đã tăng trung bình mỗi năm 11% lên hơn 2.200 căn từ 24 dự án, vào quý I/2021.
Phú Quốc là một trong những điểm đến phát triển nhanh nhất cả nước với lượng khách tăng trưởng 54% mỗi năm từ năm 2015-2019. Đà Nẵng với 16% có thị phần bán hàng cao thứ 2, đạt tỉ lệ hấp thụ 79% trong quý I.
Thị trường Việt Nam đang theo xu hướng thị trường thế giới. Báo cáo Wealth Report 2021 của Công ty Nghiên cứu tư vấn bất động sản Knight Frank cho thấy giá nhà cao cấp toàn cầu năm 2020 đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng giá của bất động sản cao cấp ảnh hưởng mật thiết bởi tầng lớp siêu giàu (có tài sản ròng ít nhất 30 triệu USD) và tầng lớp có thu nhập cao (có tài sản ròng ít nhất 1 triệu USD). Knight Frank thống kê, tầng lớp siêu giàu và tầng lớp có thu nhập cao toàn cầu sẽ tăng lần lượt 27% và 41% trong 5 năm tới.
Có đến 4 quốc gia châu Á nằm trong top 10 khu vực có người siêu giàu mới nổi tăng nhanh. Đứng đầu là Trung Quốc với 16%, kế đến là Singapore (10%), Nhật (9%) và Hàn Quốc (6%). Và phần lớn giới siêu giàu của nhóm này đều là khách hàng thân thiết của bất động sản Việt Nam vì giá cả cạnh tranh trong khi triển vọng tăng trưởng vốn, lợi suất lại hấp dẫn hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Một điểm đặc biệt nữa, theo ông Troy của Savills Việt Nam, là không có thêm các khoản thuế cho bất động sản hạng sang ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách pháp lý và đầu tư bất động sản tại Việt Nam dần được nới lỏng đối với người mua nước ngoài và các nhà phát triển, song song với những tiêu chí phát triển được thắt chặt để bảo vệ tốt hơn cho lợi ích của người mua.
Sức mua còn đến từ giới siêu giàu của Việt Nam. Theo Knight Frank, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 50 người thuộc tầng lớp siêu giàu và hơn 25.000 cá nhân thuộc tầng lớp có thu nhập cao. Công ty này dự đoán số người nằm trong 2 tầng lớp trên ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 5 năm tới.
Các nhà đầu tư châu Âu cũng đang quan tâm thị trường bất động sản cao cấp ở Việt Nam. Theo ông Nicolas Michaux, sáng lập Tập đoàn Alpha Prime, lý do Việt Nam nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài là vì tỉ lệ tăng trưởng GDP liên tục hơn 5% từ năm 2000 và trong năm 2019, tỉ lệ đóng góp GDP của bất động sản là 7,62%. Cũng theo số liệu năm 2019, số tiền đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam là khoảng 38,2 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Khảo sát của Knight Frank 2021 cho thấy nhóm này cũng rất thích đầu tư vào biệt thự nghỉ dưỡng ven biển, với hơn 50% người được phỏng vấn về lựa chọn trong số các hình thức bất động sản được ưa thích nhất. Mới đây, Phú Quốc đang được đề xuất là địa điểm đầu tiên thực hiện thí điểm chương trình đón khách quốc tế. Theo chương trình thử nghiệm này, khách du lịch có thể đến Phú Quốc thông qua các chuyến bay thuê bao (charter flight), lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng tách biệt và hạn chế về mặt di chuyển.
Hiện tại, chính quyền địa phương mong muốn khởi động kế hoạch thí điểm này với du khách Nga trước khi chào đón du khách quốc tế từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc và Đài Loan. Động thái này nhằm cạnh tranh thu hút du khách với các nước như Thái Lan và Philippines, vốn đang rất tích cực triển khai mô hình “thí điểm du lịch”.
Theo ông Ngô Văn, Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi, tiềm năng du lịch của Việt Nam là cực kỳ lớn, đương nhiên các nhà đầu tư lớn sẽ không bỏ qua cơ hội của thị trường này. Với cam kết của Chính phủ, việc tiêm vaccine đang gia tăng thì lúc này sẽ là thời điểm để nhà đầu tư bung tiền mua bất động sản có giá tốt.
Nguồn dẫn: Huy Sang/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-737-3341379