Sang năm 2021, thị trường sẽ ra sao, phân khúc nào lên “ngôi”? Dòng tiền sẽ chảy về mảng nào mạnh nhất? Một số chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra các góc nhìn riêng.
Thị trường bất động sản vừa trải qua một năm đầy biến động, chứng kiến Covid-19 tác động mạnh đến toàn ngành. Tuy nhiên đến nửa cuối năm, thị trường dần phục hồi, nhiều phân khúc như đất nền, bất động sản công nghiệp, nhà ở… tiếp tục “nóng” trở lại.
Vậy sang năm 2021, thị trường sẽ ra sao, phân khúc nào lên “ngôi”? Dòng tiền sẽ chảy về mảng nào mạnh nhất? Một số chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra các nhận định riêng về thị trường bất động sản năm 2021.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản lớn cho biết, năm 2021, phân khúc tốt nhất vẫn là đất nền. Đây được coi là nơi trú ẩn dòng tiền an toàn và khả năng sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Vũ Sinh Nhật – Giám đốc một sàn môi giới ở Hà Nội cũng cho rằng đất nền sẽ là kênh thu hút dòng tiền trong năm mới. “Người Việt Nam luôn coi mảnh đất là tài sản lớn. Đất đấu giá, đất phân lô, đất tái định cư… mấy năm trở lại đều có khả năng tiêu thụ cao”, ông Nhật chia sẻ.
Phân khúc nhà ở, đất ở – phân khúc có tốc độ tăng giá khá mạnh trong năm 2020 – được dự đoán sẽ tiếp tục có sự phát triển nhanh chóng trong năm mới.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho biết, năm 2021, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu.
“Đối với thị trường bất động sản nói chung, phân khúc nhà ở luôn là một điểm sáng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng, và có thể sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển hơn so với năm 2020”, ông Khương nhận định.
Mặt khác, theo ông Khương, đối với thị trường bất động sản văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu để ổn định về chi phí, lợi nhuận và có những chiến lược khác để phòng vệ trước những kịch bản khó khăn hơn có thể xảy ra.
TS. Khương cho rằng: “Thay vì bi quan, tôi có lời khuyên cho các doanh nghiệp bất động sản là hãy xem những khó khăn trước mắt như là một điểm để bắt đầu tạo ra các tiền đề cho tương lai. Khi đầu tư vào các cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ, thông thường thời gian hoàn vốn là trong 10 năm, nên 1 – 2 năm khó khăn không phải là một vấn đề quá lớn. Nhưng đối với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì sẽ rất khó khăn trong việc duy trì. Hiện tại các khách sạn, trung tâm thương mại trên thị trường Việt Nam hầu hết đã hoạt động được 5 – 7 năm, vậy nên nó đã có được dòng tiền tích lũy”.
Một phân khúc khác được đánh giá “nóng bỏng tay” trong năm 2020 là bất động sản công nghiệp. Phân khúc này tiếp tục được kỳ vọng thăng hoa trong năm 2021.
Chuyên gia Savills dự báo, bất động sản công nghiệp cũng là một điểm nóng của thị trường. Nhưng các nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn vì hiện tại Chính phủ Việt Nam đang kiểm soát rất chặt chẽ các chuyến bay quốc tế.
Đây là thời điểm để tìm hướng đi tốt nhất cho 1 – 2 năm tới, Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư công nghiệp cần phải cấu trúc lại những sản phẩm, giải pháp cũng như dây chuyền khép kín và chuỗi cung ứng để hoàn thiện mình. Vì khi thị trường hồi phục, khi tình hình chung của thế giới biến chuyển tốt hơn, thì các chủ đầu tư phát triển bất động sản công nghiệp đã hoàn toàn có thể sẵn sàng nguồn lực gồm quỹ đất, cơ sở hạ tầng… để thu hút các nhà đầu tư./.