Dòng vốn đầu tư bất động sản tìm kiếm các địa phương nhiều tiềm năng về hạ tầng, phát triển kinh tế…
Do thực trạng chật chội tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM, dòng vốn bất động sản và đầu tư ở Việt Nam gần đây đã đổ bộ đến các tỉnh thành cấp 2 để săn tìm các cơ hội mới. Trong số đó nổi lên 5 địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất trong các năm tới.
THANH HÓA: ĐÒN BẨY HẠ TẦNG
Thanh Hóa đang lọt vào tầm ngắm của nhiều thương hiệu bất động sản hàng đầu trong nước với các dự án đầu tư trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Đơn cử như Sun Group rót 25.000 tỉ đồng để triển khai tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Sầm Sơn. Làn sóng đầu tư vào vùng này còn có các thương hiệu lớn khác như Vingroup, FLC hay AEON trên mảng bất động sản thương mại và Tập đoàn Foxconn trên mảng bất động sản công nghiệp. Giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh đã tăng dựng đứng 50-60% chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Sở dĩ giới đầu tư đổ xô đến vùng đất này là vì đón đầu làn sóng đô thị hóa, đi cùng với nhiều dự án hạ tầng trọng điểm. Xét về quy mô, Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên, thứ 3 về quy mô dân số, với nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thanh Hóa năm 2020 đạt 6,08%, cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 29.000 tỉ đồng.
Hạ tầng mang đến sức bật to lớn cho thị trường Thanh Hóa trong thời gian tới. Đơn cử như dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sân bay này sẽ được nâng cấp lên thành sân bay quốc tế, đạt chuẩn 4E với công suất 5 triệu hành khách/năm.
Giá đất còn mềm so với các địa phương miền Bắc khác mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2020, Thanh Hóa nhận tổng số vốn FDI đăng ký 349 triệu USD, đứng thứ 20 trong tổng số 60 tỉnh thành. Tỉnh này cũng đón 14 dự án đầu tư mới, đóng góp 240 triệu USD vốn FDI; 218 triệu USD trong số này được phân bổ cho 13 dự án sản xuất và chế biến, trong đó có 4 dự án từ nhà đầu tư Trung Quốc, 3 dự án Đài Loan và Singapore, 2 dự án Hồng Kông và 1 dự án Hàn Quốc.
Đặc biệt, kế hoạch phát triển của Foxconn tại Thanh Hóa gần đây đã thu hút một loạt nhà sản xuất linh kiện điện tử, chuyên cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà đầu tư lớn. Giá thuê đất cạnh tranh cùng nguồn lao động lớn tại chỗ giúp địa phương này hút nhiều doanh nghiệp tìm về xây nhà máy.
Chính sách định hướng mới hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời biến vùng Thanh Hóa trở thành một hạt nhân tăng trưởng, giúp địa phương này đến gần hơn với mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển khu vực phía Bắc, bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
HẢI PHÒNG: TIỀM NĂNG KHU ĐÔ THỊ CÔNG NGHIỆP – KINH TẾ BIỂN
Liền kề với Hà Nội và giáp biển, Hải Phòng sở hữu vị trí thuận lợi để vươn mình trở thành ngôi sao trong tương lai. Tương tự như Bình Dương ở phía Nam, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng là bước đi chiến lược mà Hải Phòng tập trung triển khai trong các năm qua để khơi thông nguồn lực tăng trưởng.
Chỉ trong giai đoạn 2016-2020, Hải Phòng đã xây 44 cây cầu, hàng trăm km đường mới, nhiều công trình ngàn tỉ đồng… làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đất cảng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm qua của Hải Phòng lên đến 14,02%, gấp 2 lần giai đoạn 2010-2015 và gấp 2,1 lần tốc độ tăng chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD, tương ứng gần gấp đôi so với năm 2015.
Trên lĩnh vực dịch vụ cảng biển và kho vận, địa phương này sở hữu tới 49 bến cảng với không khí hoạt động nhộn nhịp. Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố đạt gần 143 triệu tấn, tăng 10,58% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu cảng biển cả năm 2020 ước đạt hơn 5.484 tỉ đồng. Trong chiến lược phát triển hệ thống cảng biển, Hải Phòng hướng tới trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế.
Trên lĩnh vực du lịch, vùng đã thu hút một số cánh chim đầu đàn như Vingroup, Sun Group, Geleximco… với các khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Ở mảng công nghiệp theo hướng công nghệ cao, Hải Phòng là cứ điểm của tổ hợp rắp láp ô tô VinFast. Đặc biệt, chỉ riêng Tập đoàn LG của Hàn Quốc đã có 4 dự án lớn đầu tư tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ.
Đầu năm 2021, nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD cho dự án LG Display. Như vậy, riêng dự án LG Display đã có vốn đầu tư lên 3,25 tỉ USD, trở thành dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trên địa bàn thành phố. Nhận thấy tiềm năng của mảng bất động sản công nghiệp, mới đây, Vingroup tiếp tục chi 400 triệu USD để phát triển 2 dự án khu công nghiệp tại đây, bao gồm Khu Công nghiệp Nam Tràng Cát với tổng diện tích 200 ha và Khu Công nghiệp Thủy Nguyên 319 ha.
Lựa chọn Hải Phòng là địa phương phía Bắc để mở rộng danh mục đầu tư thông qua dự án 21 ha, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, cho biết vùng này thỏa mãn các tiêu chí đặt ra của Tập đoàn, đó là các đô thị cấp 2 có tiềm năng phát triển kinh tế, những nơi thu hút lực lượng lao động có nhu cầu an cư lớn sẽ là điểm đến cho mảng phát triển quỹ đất và nhà ở của Nam Long.
Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt các tiêu chí đô thị loại I. Đến năm 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
QUẢNG NINH: SỨC BẬT ĐẾN TỪ SEZ VÂN ĐỒN
Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã huy động, thu hút hơn 60.000 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng, các công trình động lực nhằm phát triển Vân Đồn trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Đáng chú ý, sau thời gian trì hoãn, trong thời gian tới, Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội Luật Đặc khu kinh tế đặc biệt (SEZ), trong đó có cái tên Vân Đồn.
Cú hích mạnh mẽ của Vân Đồn còn nhờ các dự án hạ tầng lớn, đáng kể nhất là sân bay quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai hay tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, giúp du khách có thể tận hưởng trọn vẹn cung đường du lịch ven biển với nhiều thắng cảnh nổi tiếng.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, vùng sẽ này trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển – đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế. Đặc biệt với tuyến cao tốc 11.000 tỉ đồng Vân Đồn – Móng Cái dự kiến hoàn thành trong năm nay, Vân Đồn sẽ trở thành trung tâm kết nối tuyến hành lang đường cao tốc Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc.
Bên cạnh du lịch – nghỉ dưỡng, Quảng Ninh còn có tiềm năng phát triển các lĩnh vực trọng điểm khác nhờ vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp Trung Quốc. Theo CBRE Việt Nam, Quảng Ninh gần đây nổi lên như một tỉnh công nghiệp ven biển hàng đầu của Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh, Quảng Ninh dự kiến sẽ bổ sung một lượng lớn quỹ đất công nghiệp trong tương lai, với thêm một khu kinh tế được thành lập ở Quảng Yên. Nhà đầu tư DEEP C, một trong những chủ đầu tư khu công nghiệp lớn, đang xây dựng tổ hợp khu công nghiệp gắn liền với cảng biển tại Quảng Yên để khai thác lợi thế địa lý và tận dụng luồng hàng hải đến cảng Lạch Huyện.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025, hướng tới năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu. GRDP bình quân đầu người hơn 15.000 USD/năm. Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo.
BÌNH DƯƠNG: HƯỚNG TỚI SMART CITY, TRUNG TÂM KINH TẾ – TÀI CHÍNH
Theo Savills Việt Nam, sau 20 năm tái lập tỉnh, Bình Dương từ một tỉnh với dân cư rải rác và tập trung vào sản xuất nông nghiệp nay đã trở thành một trong những tỉnh phát triển bậc nhất cả nước với những khu đô thị quy củ, được biệt danh là “Thủ phủ công nghiệp”. Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho thấy trong năm 2020 địa phương này giữ vững đà tăng trưởng trước những thách thức từ đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu. Cụ thể, GRDP tăng trưởng 6,91%, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,5% so với cùng kỳ, tổng số vốn đầu tư trong nước lên đến 67.000 tỉ đồng, thu hút được 967,5 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của vùng trong năm qua tăng lên đến 150,1 triệu đồng, dự đoán sẽ tiếp tục tăng bình quân 8,5-8,7% trong 5 năm tới. Với những chỉ số nổi bật như trên, Bình Dương đang hội tụ rất nhiều lợi thế cạnh tranh và có sức hút lớn không chỉ với các nhà đầu tư, mà còn với đa phần người dân đang sinh sống tại địa phương và những khu vực cận kề.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao của Savills Việt Nam, bất động sản Bình Dương đã nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư nước ngoài, như Tập đoàn Tokyu Corporation (Nhật) đã chọn Bình Dương là điểm đến đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2011. Việc một trong những tập đoàn hàng đầu Nhật về phát triển đô thị quyết định chọn Bình Dương làm điểm đến không chỉ thể hiện niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài vào khả năng tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mà còn cho thấy tiềm năng thu hút dân cư để biến Bình Dương trở thành nơi an cư lạc nghiệp.
“Cơ bản nếu xét về cơ sở hạ tầng, về bài toán công ăn việc làm và về tiện ích cộng đồng, trong đó bao gồm trường học, bệnh viện và các cơ sở y tế, thì Bình Dương đang đáp ứng rất tốt và được dự đoán sẽ ngày càng hoàn thiện trong những năm tới. Đây là những yếu tố bản lề để thúc đẩy thị trường bất động sản khi thu hút nhà đầu tư và di dân cơ học”, Tiến sĩ Khương chia sẻ.
Không bằng lòng với danh xưng “Thủ phủ công nghiệp miền”, Bình Dương còn ấp ủ tham vọng tiến lên một vị thế cao hơn. Năm 2020, Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới (Smart 21). Mới đây, Bình Dương còn công bố thêm đề án quy hoạch trục Quốc lộ 13 chạy từ trung tâm Lái Thiêu tới đường Nguyễn Văn Tiết thành đại lộ kinh tế, tài chính, dịch vụ mới của tỉnh.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, khi Bình Dương ngày càng xích lại gần hơn với TP.HCM thông qua hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể, ngày càng nhiều người dân sống tại TP.HCM quan tâm đến việc di chuyển ra vùng ven và các thành phố vệ tinh. Điều này mở ra cơ hội cho Bình Dương nếu tỉnh có thêm những dự án dân cư được quy hoạch bài bản với cơ sở hạ tầng và tiện ích sống tốt.
ĐỒNG NAI: BÓNG DÁNG SIÊU THÀNH PHỐ SÂN BAY
Bản đồ các địa phương tiềm năng bậc nhất trong các năm tới không thể không nhắc tới Đồng Nai: địa phương án ngữ cửa ngõ giao thông phía Đông của TP.HCM đi cùng động lực cực lớn đến từ siêu sân bay quốc tế Long Thành. Đó là lý do gần đây, Đồng Nai đón nhận hàng loạt thương hiệu bất động sản lớn rót vốn đầu tư như Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Him Lam bên cạnh các nhà đầu tư ngoại như CLFD, Mitsubishi Estate, Amata, hay nhà bán lẻ Nhật AEON mới đây công bố kế hoạch mở 2 trung tâm thương mại tại Đồng Nai.
Đồng Nai còn là nơi đóng đô của hơn 1.600 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 31 tỉ USD. Các dự án FDI trải rộng trên địa bàn tỉnh như Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Một tin vui cho địa phương này là mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho Đồng Nai quy hoạch thêm 6.500 ha đất công nghiệp, tạo cơ hội để thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. Lợi thế của Đồng Nai còn nằm ở vị trí chiến lược khi là nơi hội tụ của nhiều dự án hạ tầng trọng điểm có tính liên kết vùng như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bến Lức – Long Thành, vành đai 3, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu, Quốc lộ 20 đi Đà Lạt.
Siêu cảng hàng không quốc tế Long Thành còn mang tới động lực tăng trưởng thế kỷ cho vùng Đồng Nai. Theo giới chuyên gia, vùng Long Thành sẽ là một “thành phố sân bay”, mô hình xuất hiện lần đầu tại Việt Nam, đồng thời mở ra cánh cửa giao thương và du lịch rộng lớn không chỉ tại khu vực mà còn ra thế giới. Cách TP.HCM khoảng 40 km về hướng Đông và với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn tất cả 3 giai đoạn, sân bay quốc tế Long Thành sẽ trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai. Đây cũng được giới chuyên gia đánh giá là lợi thế cạnh tranh về kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch rất lớn của Đồng Nai so với các tỉnh thành lân cận, thậm chí trên bình diện chung của cả nước.
Theo đề án phát triển mới của tỉnh, khu tam giác Biên Hòa – Trảng Bom và Long Thành sẽ trở thành trục phát triển chính, hình thành vùng công nghiệp – đô thị – dịch vụ trung tâm tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Tam giác này dự kiến là các vùng công nghiệp, đầu mối hạ tầng, cảng biển, sân bay quốc tế kết hợp với thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, giải trí nghỉ dưỡng và nông nghiệp công nghệ cao. Riêng Long Thành đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí để trở thành đô thị loại III, trở thành trung tâm phát triển thương mại – dịch vụ chất lượng cao, là nơi tập trung đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không của vùng, quốc gia, quốc tế.
“Tỉnh xác định 1 trong 3 lĩnh vực tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế giai đoạn tới là phát triển hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu xuất khẩu và phát triển thương mại dịch vụ tổng hợp. Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Nguồn dẫn: Sơn Nguyễn/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/chuyen-de/5-ngoi-sao-hut-tien-3340401/