Việt Nam đang phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế hai con số và vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong giai đoạn tới, do đó nâng cao chất lượng tăng trưởng không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà còn là con đường duy nhất để hiện thực hóa mục tiêu đó.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực
Đánh giá về thực trạng chất lượng tăng trưởng của Việt Nam, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) – chỉ rõ, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hơn một thập kỷ qua, thể hiện qua việc cải thiện năng suất lao động (NSLĐ), hiệu quả sử dụng vốn và đóng góp ngày càng rõ nét của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng. Cụ thể, NSLĐ (theo giá hiện hành) tăng 3,2 lần từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 221,9 triệu đồng/lao động năm 2024. Tốc độ tăng NSLĐ trung bình giai đoạn 2011-2015 đạt 4,53%/năm, tăng lên 6,05%/năm giai đoạn 2016-2020 và đạt 4,84%/năm giai đoạn 2021-2024; cả giai đoạn 2011-2024 đạt 5,16%/năm. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2015-2022, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia duy trì được tốc độ tăng NSLĐ khá cao, chỉ sau Trung Quốc và cao hơn mức trung bình của ASEAN. Nhờ sự cải thiện tích cực, NSLĐ đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế; đóng góp của NSLĐ vào tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế tăng từ 55% năm 2011 lên 81% năm 2024.
Theo Bộ Tài chính, quy mô GDP năm 2025 ước đạt 510 tỷ USD, đưa Việt Nam xếp thứ 32 thế giới và thứ 4 trong ASEAN. Tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP năm 2025 ước đạt khoảng 1.760 tỷ USD, đứng thứ 25 toàn cầu.
Cùng với cải thiện về NSLĐ, TFP – thước đo phản ánh sự đổi mới công nghệ, cải tiến quản trị và hiệu quả phân bổ nguồn lực – cũng có sự tăng trưởng đáng kể, nhờ đó, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2023 đạt 40,25%. Nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo cũng dần được chú trọng hơn. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện; xếp hạng chỉ số GII của Việt Nam tăng từ vị trí 71/132 quốc gia (năm 2010) lên vị trí 44/133 quốc gia (năm 2024), đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).
Điểm đáng chú ý nữa là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được cải thiện. Tỷ lệ vốn/GDP giảm từ 38,1% năm 2010 xuống còn 32,1% năm 2024. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư qua hệ số ICOR dần cải thiện; cụ thể, hệ số ICOR năm 2024 là 5,72, giảm nhẹ so với mức 5,89 của giai đoạn 2016-2019 và mức 5,96 của giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch rõ nét từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Vẫn còn nhiều hạn chế cần cải thiện…
Mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo TS. Đặng Đức Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, chiến lược Trung ương), những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Cụ thể, tốc độ tăng NSLĐ không ổn định và có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Tốc độ tăng NSLĐ giai đoạn 2011-2015 đạt 4,53%/năm, tăng lên 6,05%/năm giai đoạn 2016-2020 và giảm còn 4,84%/năm giai đoạn 2021-2024. Bên cạnh đó, mức NSLĐ của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với một số quốc gia trong khu vực ASEAN. Với nền tảng NSLĐ thấp nên cho dù với tốc độ tăng NSLĐ cao, khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực còn lớn. Nếu không kịp thời cải thiện đáng kể NSLĐ sẽ có khả năng ảnh hưởng đến thu hút FDI, nhất là khi Việt Nam đang giảm dần lợi thế về lao động giá rẻ khi bước qua thời kỳ “dân số vàng”.
Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp, hạn chế mức độ cải thiện chất lượng tăng trưởng. Mặc dù hệ số ICOR của Việt Nam có cải thiện, nhưng vẫn ở mức khá cao so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử, giai đoạn 2021-2024, hệ số ICOR của Việt Nam là 6,89, cao hơn Campuchia (5,90), Malaysia (5,15), Philippines (3,81). Mặt khác, mặc dù Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thu hút lượng vốn FDI lớn và là nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới, nhưng vai trò của khu vực FDI trong nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng tăng trưởng còn hạn chế.
Ngoài ra, theo bà Phạm Thị Thanh – Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Thúc đẩy tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 còn chậm, kết quả đạt được còn khiêm tốn. Công nghiệp chế biến – chế tạo vẫn sử dụng công nghệ thấp hoặc chủ yếu mới tham gia ở các khâu gia công, lắp ráp, tạo ra giá trị gia tăng thấp…
Từ thực trạng trên, để nâng cao chất lượng tăng trưởng – con đường duy nhất để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong những thập niên tới, các chuyên gia khuyến nghị, trước hết Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, với mục tiêu đảm bảo chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt 2% GDP vào năm 2030, trong đó kinh phí từ khu vực tư nhân chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Đồng thời, tăng cường các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội.
Song song với đó, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, tạo nhiều việc làm có năng suất cao để hấp thụ lao động từ khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức. Thúc đẩy NSLĐ ngành chế biến – chế tạo cùng với mở rộng quy mô của ngành sẽ là động lực chính thúc đẩy NSLĐ trong cả nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; chú trọng đổi mới mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, cần tăng cường công tác giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư thông qua các chỉ tiêu như ICOR, TFP nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư trong dài hạn. Tăng cường hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nguồn vốn FDI gắn với chuyển giao công nghệ và phát triển bền vững. Ưu tiên các dự án hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa cao đến phát triển kinh tế; các dự án thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành hiệu quả; đồng thời huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hình thức đầu tư công – tư (PPP) và nâng cao năng lực quản lý, khai thác hạ tầng hiện có./.
Nguồn dẫn: Tuấn Minh/ Báo Kiểm Toán Online
Link bài gốc: http://baokiemtoan.vn/nang-cao-chat-luong-tang-truong-de-nen-kinh-te-but-toc-41701.html