Novaland sắp phát hành tăng vốn thêm gần 5.000 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh nhiều dự án, kế hoạch mới ở Long An, Thái Bình, Tây Ninh…
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va – Novaland (NVL) mới đây đã có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kế hoạch phát hành thêm gần 483 triệu cổ phần, tương đương gần 4.830 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 24,5% cho cổ đông hiện hữu, từ nguồn vốn thặng dư cổ phần. Mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu NVL sẽ được nhận 0,245 cổ phiếu mới.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng từ 19.498 tỷ đồng lên 24.275 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD). Nguồn vốn phát hành đến từ thặng dư cổ phần tại Báo cáo tài chính kiểm toán riêng 2021, trị giá khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.
Dự kiến, Novaland sẽ phát hành cổ phiếu nói trên trong năm 2022, sau 45 ngày kể từ khi được UBCK chấp thuận phát hành.
Trước đó, cuối năm 2021, Novaland đã phát hành hơn 456 triệu cổ phiếu (tỷ lệ phát hành là 31%) để trả cổ tức và tăng vốn thêm gần 4.600 tỷ đồng. Hồi giữa tháng 4/2022, Novaland tiếp tục tăng vốn thông qua việc phát hành 19 triệu cổ phiếu ưu đãi ESOP.
Trong quý II/2022, doanh nghiệp này đã hoàn tất nhận 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư Warburg Pincus sau khi phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore vào tháng 7/2021.
Theo kế hoạch, Novaland của ông Bùi Thành Nhơn sẽ sử dụng nguồn vốn huy động được từ Warburg Pincus để tiếp tục mở rộng quỹ đất chiến lược và hoàn thành việc phát triển các dự án trọng điểm đang triển khai.
Cùng với việc dồn dập tăng vốn, Novaland cũng ghi nhận tài sản tăng mạnh. Tới cuối quý II/2022, tổng tài sản của Novaland đạt hơn 239.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD), tăng 18,6% so với đầu năm. Vay nợ cũng tăng mạnh thêm gần 7.000 tỷ đồng lên gàn 68.600 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng mạnh từ mức 110.000 tỷ đồng hồi đầu năm lên 125.500 tỷ đồng, trong đó phần lớn là quỹ đất và dự án xây dựng dở dang. Novaland có tiền và các khoản tương đương tiền lên tới hơn 17.000 tỷ đồng tính tới cuối quý II/2022.
Mặc dù đặt kế hoạch cao nhưng trong 6 tháng đầu năm Novaland ghi nhận lãi sau thuế giảm gần 10% so với cùng kỳ xuống còn hơn 1.800 tỷ đồng.
Novaland cũng phát triển sang các lĩnh vực mới như bất động sản khu công nghiệp với thương hiệu Novaland Industrial Park. Doanh nghiệp của ông Nhơn đang nghiên cứu, đầu tư thêm tại các địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Thái Bình, Tây Ninh…
Trong đó, tập đoàn này mới đề xuất với Ban Thường vụ tỉnh Thái Bình về ý tưởng quy hoạch xây dựng thành phố thông minh kiểu mới.
Tại buổi làm việc của Ban Thường vụ tỉnh ủy Thái Bình với Novaland về định hướng quy hoạch đối với khu vực dự án của tỉnh, doanh nghiệp này đề xuất định hướng quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, thông minh cùng nhiều tổ hợp quy hoạch trên địa bàn tỉnh Thái Bình, dựa trên các trụ cột kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội và môi trường.
Theo báo Thái Bình, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cơ bản đồng ý với ý tưởng định hướng quy hoạch theo đề xuất của doanh nghiệp, đồng thời cho góp ý kiến về phạm vi, quy mô, tính khả thi, sự phù hợp với thực tiễn của tỉnh, cũng như việc kết nối đồng bộ với các quy hoạch của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành hỗ trợ giúp công ty tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa các ý tưởng bảo đảm phù hợp với các quy hoạch khác của tỉnh để sớm tiến hành triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Ngoài ra, lãnh đạo cũng gợi mở thêm các ý tưởng về quy hoạch, định hướng phát triển không gian để công ty nghiên cứu bổ sung vào ý tưởng chung.
Tại tỉnh Tây Ninh, tập đoàn này đề xuất ý tưởng đầu tư phát triển 3 khu vực đô thị mới có tính chất, chức năng theo ý tưởng của Novaland, khoảng 2.800 ha.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Tây Ninh, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2022, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để phát triển. Trong đó, tỉnh sẽ triển khai, đầu tư hàng loạt dự án quy mô giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với hàng loạt khu đô thị mới, dự án du lịch – nghỉ dưỡng.
Cụ thể, tỉnh vừa hoàn chỉnh thủ tục và triển khai dự án đầu tư 5 dự án gồm: Khu đô thị phụ cận Khu Du lịch Quốc gia Núi Bà Đen phía Nam đường ĐT790 (379 ha); Khu đô thị 79 ha phục vụ khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen; Khu tham quan chuyên đề, lưu trú, nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ trên đỉnh núi Bà Đen; Khu đô thị mới, TP. Tây Ninh (tại xã Tân Bình, xã Thạnh Tân và một phần Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen (563,25 ha); Khu đô thị mới tại phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh (49,86 ha)…
Từ đó, Tây Ninh đang kêu gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư trong thời gian gần đây. Làn sóng rót vốn đầu tư vào các dự bất động sản ngày càng sôi động ở địa phương này, có thể kể đến sự “đổ bộ” đầu tư từ các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, TNG Holding… vào Tây Ninh trong vòng 3 năm qua.
Trong đó, Vingroup đã bắt đầu xúc tiến đầu tư vào Tây Ninh từ năm 2015 với với tổ hợp thương mại khách sạn có tổng vốn 1.000 tỉ đồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2018, Vingroup triển khai đưa vào sử dụng tổ hợp công trình khách sạn lưu trú 5 sao với diện tích 2,1 ha đầu tiên tại Tây Ninh.
Sungroup cũng xuất hiện ở Tây Ninh với dự án quần thể Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain tại Tây Ninh với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 2.000 tỷ đồng, được đánh giá là dự án dẫn dắt ngành du lịch của tỉnh. Từ đây, Sungroup cũng đang làm việc với chính quyền địa phương để sớm có điều kiện tham gia đầu tư dự án tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2023.
Điều này đã và đang tạo “đòn bẩy” cho sự phát triển của thị trường bất động sản Tây Ninh và cửa ngõ Bắc Sài Gòn. Nhà đầu tư vừa và nhỏ theo đó bắt nhịp rót tiền vào nhà đất Tây Ninh. Ngay trong những giai đoạn trầm lắng vì dịch Covid-19, Tây Ninh vẫn ghi nhận giao dịch sôi động trên thị trường.
Các sàn môi giới cho biết, trước đây nguồn cung khá ít, nhưng hiện số lượng đã tăng, sản phẩm đa dạng hơn với các mức giá khác nhau, nhiều lựa chọn đầu tư hơn.
Theo ghi nhận trên thị trường, tăng trưởng giá đất tại Tây Ninh đã đạt từ 18 – 25% trong 3 năm gần đây. Thời gian qua, lượng nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường đã tạo nên sức mua lớn. Họ có xu hướng chọn đất nền vùng ven Tây Ninh, vì nhiều cơ hội sở hữu sớm các sản phẩm tốt với giá còn đang thấp, vốn ban đầu không cao, tính thanh khoản lại khá tốt.
Trước đó, Novaland đã đầu tư và đề xuất đầu tư tại một số địa phương khác như Quảng Nam, Đồng Tháp… Trong đó, Novaland đề nghị nghiên cứu đầu tư dự án Khu đô thị biển NovaWorld Hội An (Quang Nam) với quy mô 3.000 ha, thuộc xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương, (huyện Thăng Bình), theo ven sông Trường Giang, sông Thu Bồn, vịnh Cửa Đại và khu vực ven biển.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng xin chủ trương tỉnh Đồng Tháp nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị thông minh Rồng Xanh, Khu du lịch làng nghề Bùi Thanh Thuỷ và dự án Las Vegas Island.
Cuối tháng 1/2022, tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Thành phố thông minh Mekong (Mekong Smart City), thuộc TX Tân Châu và huyện Hồng Ngự với Novaland.
Theo đó, dự án có quy mô hơn 10.000 ha, gồm 11 dự án thành phần bao gồm Khu đô thị Rồng Xanh hay Blue Dragon (115 ha); Làng nghề Bùi Thanh Thủy (127 ha); Las Vegas Island (500 ha); Mekong Port; Mekong Logistics; Khu chế xuất Mekong SEZ; Mekong Village; Mekong Industry Zone; Mekong Agro; Mekong Airport; Khu công nghệ AI (2.000 ha)…
Novaland đang phát triển thành công các khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City ở Biên Hòa, Đồng Nai với diện tích 1.000ha và các khu du lịch nghỉ dưỡng NovaWorld Hồ Tràm và NovaWorld Phan Thiết…
Nguồn dẫn: Nguyên Minh/ Phụ nữ mới
Link bài gốc: https://phunumoi.net.vn/tinh-tay-ninh-phan-hoi-gi-ve-de-xuat-dau-tu-du-an-6400-ha-cua-novaland-d256600.html