Quý III vừa qua, giá đất nền miền Bắc vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa giảm so với quý II. Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, đất nền có dấu hiệu giảm giá cục bộ khoảng 5 – 7% ở một số dự án và khu vực.
Đất nền giảm giá cục bộ tại một số khu vực phía Nam
Theo công bố của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản quý III, giá đất nền tại các địa phương trong cả nước cơ bản không thay đổi so với quý trước.
Tại khu vực miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, giá đất nền vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa giảm so với quý II. Đất dự án tại khu đô thị mới Đại Kim – Định Công có giá khoảng 46 triệu đồng/m2, khu đô thị Thanh Hà Mường Thanh có giá khoảng 34 triệu đồng/m2, dự án Eurowindow Twin Parks có giá khoảng 94 triệu đồng/m2, khu đô thị Kim Chung – Di Trạch có giá khoảng 52 triệu đồng/m2.
Tại Hải Phòng, đất nền dự án ICC Quán Mau (quận Lê Chân) có giá khoảng 61 triệu đồng/m2, dự án Him Lam Hùng Vương (quận Hồng Bàng) có giá khoảng 29 triệu đồng/m2, dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm (huyện Thủy Nguyên) có giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án khu đô thị mới Cựu Viên (quận Kiến An) có giá khoảng 22 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường đất nền có dấu hiệu giảm giá cục bộ. Một số dự án và khu vực tại TP HCM và các tỉnh giáp ranh đã có mức giảm khoảng 5 – 7% so với tháng 5 (giai đoạn trước khi dịch bùng phát mạnh).
Tại TP HCM, giá đất nền tại khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) có giá khoảng 114 triệu đồng/m2, dự án An Phú – An Khánh (quận 2) có giá khoảng 211 triệu đồng/m2, dự án Huy Hoàng (quận 2) có giá khoảng 212 triệu đồng/m2, dự án The Everrich III (quận 7) có giá khoảng 110 triệu đồng/m2, khu dân cư Sở Văn hóa thông tin (quận 9) có giá khoảng 72 triệu đồng/m2.
Tại Đà Nẵng, dự án Làng Châu Âu (Euro Village, quận Sơn Trà) có giá khoảng 84 triệu đồng/m2, dự án One River (quận Ngũ Hành Sơn) có giá khoảng 52 triệu đồng/m2, dự án khu đô thị Nam Cầu Tuyên Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) có giá khoảng 43 triệu đồng/m2.
Bất động sản công nghiệp phía Nam trầm lắng, phía bắc sôi động
Bất động sản công nghiệp vốn là phân khúc tiềm năng của thị trường bất động sản, do Việt Nam đang dần trở thành “bến đỗ” của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là quý III vừa qua, việc tái bùng phát dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp đã khiến thị trường này chao đảo.
Hoạt động giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, xuất nhập khẩu đình trệ khiến một số doanh nghiệp phải chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình dịch bệnh.
Điều đáng nói là tuỳ vào mức độ ảnh hưởng của Covid-19, bất động sản công nghiệp hình thành nên những bức tranh khác nhau giữa hai miền Bắc – Nam.
Tại phía nam, thị trường trầm lắng, không có nguồn cung mới và giá thuê không tăng do ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh. Toàn thị trường không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn. Tỷ lệ lấp đầy khoảng 85 – 87%.
Trong khi đó, do kiểm soát dịch tốt hơn, thị trường phía bắc vẫn ghi nhận nhiều nguồn cung mới, giá thuê trở lại đà tăng nhanh. Giá đất công nghiệp trung bình toàn khu vực miền Bắc đạt 108 USD/m2, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê nhà xưởng sản xuất cũng duy trì đà tăng ở mức 4,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4,6 USD/m2 mỗi tháng.
Nguồn cung mới tại miền Bắc được ghi nhận chủ yếu từ khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên), khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh), khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Ngoài ra, thị trường ở các tỉnh như Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng có nhiều dự án lớn.
Nhìn chung, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực, các hiệp định thương mại tự do đa dạng và những cam kết của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng. Vì vậy, khi dịch sớm được kiểm soát, bất động sản công nghiệp sẽ là “điểm sáng” của thị trường.
Nguồn dẫn: Quyên Quyên/ Doanh nghiệp niêm yết
Link bài gốc: https://doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn/dien-bien-trai-nguoc-phan-khuc-dat-nen-va-bds-cong-nghiep-tai-hai-mien-bac-nam-43202161110119598.htm