Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) để mở rộng quỹ đất của các doanh nghiệp bất động sản vẫn diễn ra liên tục.
Miệt mài gom quỹ đất
Dù đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định có nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn. Nhiều quan điểm cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường như chiếc lò xo bị nén sẽ bật lên và bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.
Thực tế cho thấy, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ, sức khỏe tài chính yếu buộc phải bán tài sản, dự án để cơ cấu lại danh mục đầu tư, thì nhiều “ông lớn” trong ngành lại gia tăng hoạt động M&A nhằm thâu tóm các quỹ đất đẹp cho các kế hoạch dài hạn.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) đã thông qua chủ trương mua 99% vốn tại Công ty Đầu tư Bắc Cường – đơn vị có quỹ đất được xếp vào nhóm đất vàng của TP. Đà Nẵng.
Thời gian tới, các thương vụ thành công sẽ nằm ở các Dự án đất sạch, có pháp lý rõ ràng và các tài sản hoàn thiện đang hoạt động
Trước đó, doanh nghiệp này hoàn tất mua 99,5% cổ phần Công ty cổ phần Bất động sản đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương. Thương vụ M&A này đã giúp PDR toàn quyền quyết định việc đầu tư kinh doanh dự án chung cư quy mô hơn 4,5 ha tại TP. Thuận An (Bình Dương).
Tính đến thời điểm hiện tại, Phát Đạt là doanh nghiệp có quỹ đất khá lớn với gần 470 ha. Tại miền Trung, dự án lớn nhất của PDR là Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (116 ha), gồm 3 phân khu 2, 4 và 9. Ngoài ra, Công ty còn phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa – Vũng Tàu (15,4 ha), Phú Quốc (hơn 178 ha)…
Một số “đại gia” khác cũng mạnh tay thâu tóm các dự án bằng cách mua cổ phần. Mới đây, Masterise Group đã có kế hoạch đầu tư 5.000 tỷ đồng để mua một phần quỹ đất tại Dự án Vinhomes Dream City nhằm phát triển một khu biệt thự đẳng cấp thuộc quần thể khu đô thị này trong tương lai.
Một “ông lớn” khác không thể không kể đến là Hưng Thịnh. Hiện quỹ đất phát triển của doanh nghiệp này lên tới 4.500 ha, phân bổ khắp nhiều tỉnh, thành phố, như TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Những cái tên như Tập đoàn Danh Khôi, Công ty LDG… cũng đang tích cực “đi chợ” dự án từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay.
Chẳng hạn, từ đầu năm 2020 đến nay, Danh Khôi đã thâu tóm thành công 6 dự án tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khi đó, LDG cũng công bố mua lại nhiều dự án ở các địa phương, nâng tổng quỹ đất của doanh nghiệp này từ 170 ha năm 2019 lên tới 813 ha hiện nay…
Dòng tiền chạy về vùng ven
Theo chia sẻ của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, M&A được coi là phương thức hữu hiệu giúp những doanh nghiệp giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đơn cử, Tập đoàn Bất động sản An Gia – vốn là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã thu gom được lượng lớn quỹ đất ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, đồng thời công bố sẽ chi 3.000-5.000 tỷ đồng/năm để mở rộng quỹ đất, nhắm đến những khu đất rộng để triển khai các dự án phức hợp.
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia cho biết, việc mở rộng quỹ đất là chiến lược xuyên suốt, nên An Gia không ngừng tìm kiếm cơ hội M&A quỹ đất, trong đó ưu tiên đất sạch, có pháp lý rõ ràng.
Chia sẻ thêm về chiến lược “săn tìm” quỹ đất, ông Sáng cho hay, An Gia không mua quỹ đất bằng mọi giá, mà chủ yếu hướng đến những dự án có thể triển khai ngay.
Trong một báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán VNDirect về ngành bất động sản đã đưa ra nhận định, các thương vụ M&A sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2021 sôi động hơn. Bởi lẽ, quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài kể từ giữa năm 2018 và tác động của dịch Covid-19 đã khiến nhiều nhà phát triển có quy mô nhỏ đối mặt áp lực về tài chính. Điều này đã tạo cơ hội săn tìm quỹ đất cho các công ty bất động sản có tiềm lực tài chính mạnh…
Nói về câu chuyện M&A của các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua, bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư của Savills Hà Nội cho biết, nếu như trước đây, nhu cầu M&A dự án diễn ra nhiều ở các khu vực quận trung tâm hoặc tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, thì nhu cầu hiện nay có xu hướng dịch chuyển ra các địa phương lân cận. Hai yếu tố chính dẫn dắt nhu cầu hiện nay là kết nối giao thông tốt với khu vực nội đô và sự hiện diện của những nhà phát triển bất động sản dẫn dắt thị trường.
Bà Lan cho biết thêm, nhu cầu đối với khu công nghiệp và logistics cũng tăng nhanh trong hơn 1 năm trở lại đây. Thêm vào đó, các loại bất động sản như tòa văn phòng, căn hộ cho thuê có vị trí đẹp luôn là sản phẩm ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài.
Tính chung, nhà ở đô thị là phân khúc nhận được đơn đặt hàng nhiều nhất từ các nhà đầu tư. Với quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa cao, kèm sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, đây vẫn là phân khúc mang lại nhiều lợi nhuận và tiềm năng nhất cho các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam.
“Khi đại dịch qua đi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia nhập thị trường. Trong thời gian tới, các thương vụ thành công sẽ nằm ở các dự án đất sạch, có pháp lý rõ ràng và các tài sản hoàn thiện đang hoạt động”, bà Lan chia sẻ.
Nguồn dẫn: Việt Dũng/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/batdongsan/ong-lon-dia-oc-miet-mai-gom-quy-dat-d151185.html