‘Nhùng nhằng’ hơn thập kỷ
Xuất phát từ nhu cầu xử lý rác trên địa bàn tỉnh Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận, trên cơ sở đề xuất của UBND TP.HCM và UBND tỉnh Long An, ngày 17/6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 799/CP-NN về việc thu hồi để bồi thường giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp xử lý rác Long An – TP.HCM với diện tích 1.760 ha tại xã Tân Thành (nay là xã Tân Lập), huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Để thực hiện chủ trương trên của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã phối hợp với UBND tỉnh Long An thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó, toàn bộ số tiền bồi thường của dự án là hơn 197 tỷ đồng do ngân sách TP.HCM chi trả.
Đến ngày 6/10/2008, dự án Khu công nghệ môi trường xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1440/QĐ-TTg quy hoạch xây dựng xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020. Theo đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.
Sau gần 2 năm, tức ngày 6/7/2010, Bộ Xây dựng đã có công văn số 1256/BXD-HTKT thống nhất chủ trương chọn Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (nay là Công ty CP xử lý chất thải Việt Nam – Long An – VWSLA) là nhà đầu tư Khu xử lý chất thải rắn Tân Thành (nay là Khu công nghệ môi trường xanh) theo đề nghị của UBND TP.HCM và UBND tỉnh Long An.
Tuy nhiên, phải mất thêm 5 năm, dự án mới được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư số 501032000341 lần đầu vào ngày 15/5/2015 và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã cấp đổi sang giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 9837173770 ngày 08/3/2016 cho Công ty VWSLA thực hiện đầu tư dự án Khu công nghệ môi trường xanh, tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư dự kiến lúc đó hơn 600 triệu USD.
Theo đó, dự án Khu công nghệ môi trường xanh được đầu tư xây dựng trong 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến năm 2025, xây dựng trên diện tích 1.308 ha (chiếm 74,31%), với số vốn ban đầu khoảng 450 triệu USD, chủ yếu xây dựng các hạng mục chính, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khu chức năng cho dự án và sau khi hoàn thiện giai đoạn 1 sẽ tiếp nhận, xử lý khoảng 30.000 tấn rác/ngày.
Giai đoạn 2 từ năm 2026-2035 sẽ xây dựng thêm trên diện tích khoảng 192 ha (chiếm 10,91%), trong đó tiếp tục mở rộng phát triển các khu chức năng đã triển khai trong giai đoạn 1.
Giai đoạn 3 từ năm 2036-2050 tiếp tục mở rộng xây dựng thêm 260 ha (chiếm 14,78%), để phát triển các khu chức năng đã triển khai trong các giai đoạn trước và có tính đến đổi mới công nghệ hiện đại.
Sau khi được giao thực hiện, Công ty VWSLA đã đầu tư gần 20 triệu USD để tiến hành làm sạch mặt bằng, rà phá bom mìn, xây dựng một số hạ tầng, bảo vệ phòng cháy chữa cháy và lựa chọn các đối tác nước ngoài thiết kế dự án,… đặc biệt là xây 2 cây cầu và đường dẫn vào Khu công nghệ môi trường xanh (đang hiện hữu).
Đáng chú ý nhất là thời điểm vào tháng 7/2020, khi bất ngờ có thông tin UBND tỉnh Long An chuẩn bị các thủ tục để trình Chính phủ xin chuyển đổi phần lớn diện tích đất sạch trong dự án Khu công nghệ môi trường xanh sang mục đích khác. Cụ thể, chuyển đổi gần 1.600 ha/1.760 ha đất của dự án đầu tư xử lý rác thải sang đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại.
Trước thông tin đó, phía chủ đầu tư dự án là Công ty VWSLA đã tỏ ra hoang mang và có hàng loạt văn bản gửi đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM và tỉnh Long An để mong có câu trả lời rõ ràng về số phận của dự án.
Thời điểm đó, thông tin với giới báo chí, đại diện chủ đầu tư là ông David Dương tỏ ra băn khoăn, bởi đây là một trong những dự án mang tầm quốc gia tuân thủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong khi VWSLA đang thực hiện dự án thì tại sao lại có thông phía tỉnh Long An đề xuất thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất mà chưa lấy ý kiến chính thức của chủ đầu tư?
“Chúng tôi là nhà đầu tư nước ngoài, thật sự rất hoang mang và lo lắng vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra… Trong trường hợp tỉnh Long An vẫn quyết định thu hồi lại phần đất dự án đã giao cho chúng tôi thì phương án đền bù cho những thiệt hại và chi phí đầu tư mà chúng tôi đã bỏ ra trong 10 năm qua sẽ như thế nào?”, ông David Dương chia sẻ.
Để tiếp tục làm rõ vấn đề này, PV Nhadautu.vn đã đến làm việc với Sở TN&MT tỉnh Long An, tuy nhiên, phía Sở này cho biết: “UBND tỉnh Long An đã thông tin và trao đổi với Công ty VWSLA nắm, biết để chủ động định hướng thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo trong quá trình phát triển dự án thời gian tới”.
Đối với việc đề xuất thu hồi đất thực hiện dự án, Sở TN&MT tỉnh Long An thông tin: “Dự án Khu công nghệ môi trường xanh đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đã được UBND huyện Thủ Thừa phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành năm 2014. Đến thời điểm hiện nay, khu đất này UBND tỉnh Long An chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để quản lý, sử dụng”.
Dự án vẫn “nằm trên giấy”
Đến thời điểm hiện tại, sau lễ khánh thành 2 cây cầu và đường dẫn vào Khu công nghệ môi trường xanh (ngày 27/3/2019) và các hạng mục đã thực hiện trước đó thì dự án hiện vẫn “giậm chân tại chỗ”, trong khi theo phê duyệt trước đó, công trình dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm 2019. Như vậy, dự án đã chậm tiến độ hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu.
Trong khi đó, thông tin với Nhadautu.vn về các vướng mắc, cũng như kế hoạch thực hiện dự án trong thời gian tới, ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An cho biết, theo quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 6/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020 thì vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.
Tuy nhiên, qua lấy ý kiến bằng văn bản các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu (trừ Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang không có văn bản), các tỉnh không còn nhu cầu xử lý rác tại Khu công nghệ môi trường xanh tỉnh Long An do chi phí vận chuyển cao và có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho hay, hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, điều chỉnh hoặc ban hành mới (Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch,…). Vì vậy, hai địa phương (TP.HCM và tỉnh Long An) phải rà soát, đánh giá lại trình tự, thủ tục, quy mô đối với dự án Khu công nghệ môi trường xanh tỉnh Long An để triển khai dự án có hiệu quả cao, đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai và đúng theo quy định pháp luật hiện hành.
“Sau khi hoàn thành các công việc nêu trên, UBND tỉnh Long An sẽ làm việc trực tiếp với Công ty VWSLA để triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định pháp luật hiện hành”, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An thông tin.
Nguồn dẫn: Lý Tuấn/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/vi-sao-hon-10-nam-thuc-hien-du-an-khu-cong-nghe-moi-truong-xanh-tai-long-an-van-nam-tren-giay-d54446.html